Sau khi mưa lũ đi qua, người dân đang nhọc nhằn, gồng mình khắc phục hậu quả để ổn định đời sống. Đây cũng là lúc các cấp chính quyền, người dân cả nước, trong đó có Hà Nội cùng hướng về đồng bào vùng lũ. Những sẻ chia, động viên về tinh thần, những hỗ trợ kịp thời về vật chất đã phần nào giúp người dân vùng lũ thêm ấm lòng, nỗ lực vượt qua khó khăn.
Những con số “biết nói” qua thống kê là thông điệp không thể làm ngơ đối với tất cả mọi người. Tính đến sáng 28/6, mưa lũ đã làm 23 người chết và 10 người vẫn còn mất tích. Chưa kể đến hàng trăm ngôi nhà và diện tích hoa màu bị thiệt hại, các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt bị vùi lấp, cuốn trôi; nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở khiến nhiều vùng dân cư bị cô lập… Dù ngay khi xảy ra mưa lớn, các địa phương đã thực hiện phương châm “4 tại chỗ” giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại, không để người dân bị đói, khát… Nhưng khi nhà cửa cùng tài sản gây dựng bao năm đã bị cuốn trôi hết, hoa màu, lương thực cũng không còn, việc khôi phục lại cuộc sống với người dân là điều vô cùng khó khăn.
|
|
Và lúc này với tinh thần "tương thân, tương ái", liên tục những tấm lòng cũng đến với đồng bào vùng lũ, từ những chuyến hàng cứu trợ, các hoạt động tình nguyện giúp vệ sinh môi trường, gây dựng lại cơ sơ vật chất… Tại Hà Nội, Ủy ban MTTQ TP đã nhanh chóng trích hơn 240 triệu đồng từ quỹ cứu trợ để hỗ trợ bước đầu cho một số gia đình có người chết, người bị thương và tiếp tục sẽ có những hành động ủng hộ khác. Có thể nói rằng, trong lúc này, những hoạt động hỗ trợ của nhân dân cả nước sẽ là động lực giúp đồng bào vùng lũ vượt qua mất mát, khó khăn sớm ổn định cuộc sống.
Nhưng đúng như lãnh đạo Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đã nói, kinh nghiệm từ nhiều năm qua khi cứu trợ tại các địa phương gặp thiên tai, thảm họa, đó là việc cấp ủy, chính quyền, MTTQ địa phương đó thường rơi vào tình trạng quá tải do phải tiếp quá nhiều đoàn của các cá nhân, tổ chức đến chia sẻ, ủng hộ. Nhiều đoàn từ thiện do không nắm được đặc điểm của được địa phương và thiếu sự hướng dẫn của cơ quan chức năng nên đã dẫn đến tình trạng trồng chéo, trùng lặp, nơi nhận quá nhiều, nơi thì quá ít, có nơi xảy ra tình trạng mất đoàn kết trong cộng đồng. Bởi thế, việc hỗ trợ thế nào cho đảm bảo nguồn lực, đến được tay người dân vùng thiên tai một cách hữu ích nhất cũng là vấn đề cần quan tâm lúc này.
Nhìn về hai tỉnh Lai Châu, Hà Giang, hiện cả nước đang và sẽ tiếp tục thể hiện sự đồng hành, chia sẻ với những người dân nơi đây bằng nhiều cách khác nhau. Tất cả đều hy vọng người dân mau chóng vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Và qua những câu chuyện vừa qua cũng cho thấy, các Bộ, ngành, những đơn vị chức năng cần sự chung tay hơn nữa, không chỉ dừng ở trách nhiệm được giao mà phải mở rộng tấm lòng hơn, giải quyết cụ thể những vấn đề đặt ra. Bởi các gia đình vùng lũ sẽ ấm lòng và tin tưởng với sự quan tâm thiết thực của những cán bộ các ngành chức năng khi sát cánh cùng các địa phương khắc phục hậu quả của mưa lũ, chung sức cùng người dân vượt qua khó khăn trước mắt và lâu dài.