Ngày 7/11, Công an TP Huế bắt khẩn cấp đối tượng Nguyễn Ngọc Tuấn (SN1989, trú phường Phú Hậu, TP Huế) về hành vi "Cướp tài sản".
Theo thông tin ban đầu, tối 6/11, thời tiết ở TP Huế đang mưa lũ, Nguyễn Ngọc Tuấn bắt taxi mang BKS 75A 108.20, do anh Trần Quốc Định ( trú tại phường Hương Sơn, TP Huế) điều khiển.
Sau khi lên xe, vừa đi được một đoạn đường ngắn, Tuấn bất ngờ dùng dao bấm khống chế lái xe với mục đích cướp tài sản.
Khi đến đoạn đường Nguyễn Gia Thiều (gần Công an phường Phú Hậu), anh Định phát hiện đối tượng sơ hở nên thắng gấp khiến đối tượng
Tuấn mất thăng bằng bị ngã, anh Định nhanh chóng mở cửa bỏ chạy, đồng thời truy hô "cướp, cướp...”.
Nghe thấy tiếng hô, người dân gần khu vực đã phối hợp với cán bộ chiến sỹ Công an phường Phú Hậu nhanh chóng bắt được đối tượng.
Tại cơ quan công an, Nguyễn Ngọc Tuấn bước đầu khai nhận hành vi phạm pháp của mình. Được biết, Tuấn là đối tượng nghiện ma túy và có 1 tiền án về vận chuyển ma túy.
Sự việc đang được cơ quan công an tiếp tục làm rõ.
Hành vi cướp giật tài sản bị xử lý như thế nào?
Theo Điều 136 của Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định về tội cướp giật tài sản thì:
1. Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Dùng thủ đoạn nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%;
g) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
h) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 136 Bộ luật Hình sự thì cá nhân có hành vi cướp giật tài sản mà không cần căn cứ vào giá trị tài sản là bao nhiêu thì đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Căn cứ vào các thông tin mà bạn đưa ra, và phụ thuộc vào các tình tiết thực tế xảy ra trong vụ án, người phạm tội có thể phải chịu phạt tù có thời hạn từ một năm đến năm năm.