Nước lũ ngập sâu, hệ thống điện chưa được cấp trở lại khiến cuộc sống của hàng ngàn hộ dân nơi đây trở lên rất khó khăn.
Ấm áp nghĩa tình
Vài tháng trước, anh Phùng Xuân Lượng, thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến là ông chủ của khu nuôi trồng thủy sản rộng tới 4.300m2, hàng trăm vịt đẻ trứng và 7 sào bưởi Diễn. Ấy thế nhưng cơi ngơi đó đã hoàn toàn biến mất chỉ sau vài ngày mưa lớn. Những ngày này, toàn bộ cánh đồng thôn Nhân Lý vẫn chìm trong biển nước. Gia đình anh phải dựng lán ven đường liên thôn chờ nước rút. “Chỉ có 2 - 3 ngày mưa mà gia đình tôi thiệt hại gần 500 triệu đồng” - anh Lượng ngậm ngùi chia sẻ.
|
Bộ đội chở mỳ tôm đến từng nhà dân tại huyện Chương Mỹ trong nước lũ. Ảnh: Thanh Hải |
Khi về nắm bắt tinh hình ở vùng lũ huyện Chương Mỹ, chúng tôi ghi nhận vẫn còn nhiều khu vực của địa phương này bị ngập sâu, có nơi từ 0,8 - 1,2m. Việc đi lại hết sức khó khăn. Thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến chỉ có hai lối có thể vào được. Một trong hai con đường không thể di chuyển bằng ô tô, xe máy. Ngôi nhà của Ngô Văn Hà ở thôn Nhân Lý những ngày qua cứ như một “bến đò nhỏ”. Hàng ngày, người dân trong thôn chèo thuyền từ trong làng ra ngoài đường chính, để lại thuyền trước phần đất cao trước cửa nhà chị Lê Thị Hân. Rồi lúc về, lại ghé qua xin thuyền để trở về nhà. Ai không có thuyền, có thể đợi ở “bến”, chờ người đi về rồi xin “quá giang”. Tất nhiên, chẳng ai nề hà chuyện giúp đỡ những người hàng xóm láng giềng trong cơn hoạn nạn mà tất thảy đang cùng gánh chung…
Không chỉ việc đi lại khó khăn, đợt mưa vừa qua vẫn đang khiến 367 hộ dân xã Tân Tiến và 530 hộ dân xã Nam Phương Tiến bị ngập sâu. Rất nhiều gia đình trong số trên phải di dời đến cậy nhờ sự cưu mang của họ hàng, người thân, bạn bè, hoặc dựng tạm lều bạt, sinh sống trên phần đất cao bên khu dân cư lân cận. Tối ngày 17/10, khi chúng tôi ghé thăm, chị Lê Thị Hân ở thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến đang lúi húi nấu bữa tối dưới ánh đèn pin mờ. Hai đứa con nhỏ, chị Hân phải gửi nhờ sang nhà cô dì, chú bác để lũ trẻ có điều kiện học hành. “Hai vợ chồng ở lại trông coi nhà cửa. Chỉ có chút nhu cầu về điện chiếu sáng thì đi sạc nhờ đèn pin bên hàng xóm…” - chị Hân cho biết.
Cứ như vậy, với sự tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, các hộ dân vùng lũ của huyện Chương Mỹ “dìu” nhau đi qua những ngày khốn khó, bằng một tấm lòng rộng mở.
Sớm ổn định đời sống người dân
Trưởng thôn Nhân Lý Lê Văn Ơn cho biết, ngày mưa lũ ập đến, toàn bộ làng quê ven sông Bùi ngập chìm trong nươc, có nơi sâu trên 1m khiến điện bị cắt. Nhằm bảo đảm việc đi lại vào ban đêm, huyện Chương Mỹ đã trao cho các hộ gia đình những chiếc đèn pin.
Những ngày mưa lũ đi qua, hệ thống cấp nước tại các xã Tân Tiến, Nam Phương Tiến cũng không thể sử dụng. Nhu cầu nước sạch được đặt lên hàng đầu. Hôm chúng tôi ghé thăm, đúng lúc đoàn công tác của Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội xuống cấp phát nước uống và mỳ tôm, cùng nhiều vật dụng cho bà con. Khệ nệ ôm bình nước 18,9 lít từ đoàn công tác, chị Nguyễn Thị Tâm, thôn Tiến Tiên, xã Tân Tiến chia sẻ, từ ngày xảy ra mưa lũ, chưa ngày nào gia đình chị thiếu nước uống.
Phó Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến Nguyễn Chiến Thắng cho biết: Sau khi nhận được những bình chứa nước Sơn Hà từ HĐND TP gửi tặng người dân vùng lũ trên địa bàn, chúng tôi đã đi lấy nước sạch về để bà con có nước sạch cho các mục đich khác, ngoài sử dụng cho ăn uống. “Đến nay, dù một số khu vực, nhất là tại thôn Nhân Lý, việc đi lại còn khó khăn, nhưng cuộc sống sinh hoạt đang dần trở lại bình thường…” - ông Thắng cho biết.
Gần một tuần sau mưa lũ, có mặt tại thôn Phú Hiền, xã Hợp Thanh, huyện Mỹ Đức, ghi nhận cho thấy, người dân đều được cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm thiết yếu. Những ngày qua, nước rút đến đâu, các hộ dân được lực lượng thanh niên xã và hàng xóm láng giềng hỗ trợ dọn dẹp nhà cửa, ổn định cuộc sống.
Theo Giám đốc Công ty Điện lực huyện Chương Mỹ Trần Ngọc Mười, toàn huyện hiện vẫn còn 856 hộ dân chưa được cấp điện, trong đó, nhiều nhất là ở xã Nam Phương Tiến (312 hộ), tiếp đến là các xã Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ… Những ngày qua, đơn vị vẫn theo dõi sát tình hình nước rút, khảo sát đủ điều kiện thì tổ chức đấu nối đường điện, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất cho bà con.
Cùng với hỗ trợ bà con các nhu yếu phẩm cần thiết cho cuộc sống, khẩn trương khôi phục sản xuất, vấn đề được nhiều người quan tâm là việc học của các em học sinh. Theo khảo sát của chúng tôi, tính đến ngày hôm qua, toàn huyện Chương Mỹ vẫn còn 4 trường học bị ngập sâu, kéo theo đó, hàng ngàn học sinh thuộc địa bàn các xã nêu trên vẫn chưa thể trở lại trường lớp.
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Chương Mỹ Nguyễn Văn Vững cho biết, địa phương đã chỉ đạo các xã căn cứ tình hình thực tế, nếu trường nào chưa đủ điều kiện an toàn về trường lớp cũng như việc đi lại, thì tiếp tục cho các em nghỉ học. “Chúng tôi cũng yêu cầu các trường theo dõi sát diễn biến mực nước lũ. Trên tinh thần “nước rút đến đâu, tổ chức dọn dẹp, vệ sinh môi trường tới đó” để các em sớm trở lại trường lớp”.
Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng cho biết, những ngày mưa lũ diễn ra, địa phương nhận được sự quan tâm rất lớn của Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội. Điều này đã góp phần rất quan trọng giúp giảm nhẹ hậu quả thiên tai trên địa bàn huyện. Thời gian tới, bên cạnh tiếp tục hỗ trợ người dân ổn định đời sống, phục hồi sản xuất cho các hộ chịu ảnh hưởng, công tác vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng cũng sẽ được huyện triển khai rộng khắp, nhằm tránh để xảy ra dịch bệnh lây lan, ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân.