Rau xanh tăng giá tại chợ
Mưa lớn kéo dài khiến rau xanh rơi vào tình trạng khan hiếm, giá tăng vọt. Tại một số chợ truyền thống như Thành Công, Trung Kính, Kim Liên…, giá rau muống từ 10.000 - 12.000 đồng/mớ; rau ngót: 7.000 đồng/mớ, mồng tơi: 8.000 đồng/mớ, mướp: 25.000 đồng/kg. Các loại rau cải như cải chíp, cải xanh… giá 30.000 đồng/kg, bắp cải: 20.000 đồng/kg, cà chua: 30.000 đồng/kg, xà lách: 60.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so với ngày thường. Tăng mạnh nhất là các loại rau gia vị, rau thơm như rau mùi: 4.000 đồng/mớ, rau húng, bạc hà: 3.000 đồng/mớ, hành lá từ 25.000 đồng lên 65.000 đồng/kg, thì là: 100.000 đồng/kg.
|
Một quầy rau xanh tại chợ Thành Công. Ảnh: Trần Dũng |
Theo người bán, giá rau xanh tăng cao là do mưa to kéo dài khiến nhiều vùng trồng rau tại Hà Nội và các vùng lân cận bị ngập lụt, các loại rau ăn lá bị dập nát, thối hỏng. Giám đốc Công ty CP Sản xuất và Thương mại An Việt Đào Ngọc Nam cho biết: Do ảnh hưởng mưa lớn kéo dài, nên một số cơ sở sản xuất rau an toàn tại Yên Bái, Hà Nam đã gần như mất toàn bộ sản lượng cung ứng hàng cho DN.
Bên cạnh mặt hàng rau xanh, một số loại hải sản tươi sống như cá, tôm, ghẹ cũng tăng giá nhẹ, bởi thời tiết bất thường khiến cho việc đánh bắt không được thuận lợi như trước. Riêng mặt hàng thịt lợn lại đang ổn định ở mức 85.000 đồng/kg thịt mông, vai, ba chỉ, chân giò; nạc thăn: 100.000 đồng/kg. Thịt bò có giá từ 250.000 - 300.000 đồng/kg, thịt gà: 140.000 - 150.000 đồng/kg.
Doanh nghiệp tích cực dự trữ hàng hóa
Thông tin từ Sở Công Thương Hà Nội, nhằm ổn định giá bán, ngăn tình trạng tăng giá đột biến, các DN đã chuẩn bị kỹ lưỡng nguồn hàng. Chính vì vậy, mặc dù mưa rất lớn trên diện rộng, nhưng không làm ảnh hưởng nhiều đến số lượng rau xanh, thực phẩm tươi sống bán tại các siêu thị.
Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng cho biết: Nhằm phục vụ đời sống Nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, đã có 6 DN đăng ký tham gia dự trữ 6 mặt hàng phục vụ cứu trợ, đảm bảo đời sống Nhân dân gồm: Gạo, sản phẩm chế biến từ ngũ cốc, nước sạch đóng chai, nến thắp sáng, thực phẩm chế biến từ thịt và cá, sữa uống trị giá 82,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, để bình ổn thị trường, Sở đã yêu cầu các DN tham gia chương trình bình ổn giá dự trữ một lượng lớn hàng hóa trị giá 1.510 tỷ đồng. Trong đó, chú trọng dự trữ 6 mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu. Cụ thể: 29.200 tấn lương thực, 7.000 tấn thịt lợn, 1.800 tấn gia cầm, 33,1 triệu quả trứng gia cầm, 21 triệu lít dầu ăn, 29.400 tấn rau củ quả tươi.
Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội Nguyễn Thị Hải Thanh cho biết: Để đảm bảo nguồn rau xanh cung ứng ra thị trường trong những ngày mưa bão, Hapro đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các đơn vị cung cấp hàng hóa, nên sản phẩm rau xanh tại hệ thống siêu thị Hapro Mart không điều chỉnh giá bán. Thông tin từ nhiều siêu thị khác trên địa bàn Hà Nội như Big C, Vinmart, Co.op Mart, Unimar, Fivimart… cho thấy, các siêu thị này đều chủ động dự trữ hàng hóa, rau xanh nên không xảy ra tình trạng khan hàng, tăng giá. Tại các DN chuyên cung cấp thịt gia súc, thịt và trứng gia cầm như Ba Huân, Hiền Lương đã chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng để đáp ứng kịp thời ra thị trường. Nhờ vậy, tại các siêu thị, giá rau xanh và thực phẩm vẫn giữ ổn định.
Do ngành công thương và DN thương mại Hà Nội tích cực dự trữ hàng hóa, nên trong những ngày tới, giá những mặt hàng thiết yếu tiếp tục được bảo đảm lượng cung, qua đó ổn định giá bán. Giám đốc Sở Công Thương Hà Nồi Lê Hồng Thăng |