Đề xuất chia sông Sài Gòn thành 4 phân khu để phát triển được liên danh tư vấn Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) cùng Viện Quy hoạch vùng Paris (IPR) đưa ra tại Hội thảo phát triển không gian, chức năng dọc sông Sài Gòn theo kinh nghiệm của Pháp về sông Senine, chiều 2/3.
Các chuyên gia cho rằng, đánh giá đúng tầm quan trọng, tiềm năng sông Sài Gòn với sự phát triển của TP Hồ Chí Minh sẽ chìa khóa để mở ra các cơ hội phát triển trong 30 năm tới. Ảnh: Hà Nam
Đây là lần đầu nhiều nghiên cứu toàn diện về tiềm năng khai thác dòng sông được đưa ra bàn thảo, sau lần Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cùng đoàn công tác ở TP Hồ Chí Minh đi tham quan, học kinh nghiệm quy hoạch sông Senine ở Paris (Pháp) vào tháng 6/2023.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu đề xuất phát triển hành lang sông Sài Gòn với 4 phân khu: Phân khu 1, kết nối bản sắc, qua huyện Củ Chi, Bến Cát từ thị xã Thủ Dầu Một đến ranh giới TP Hồ Chí Minh và tỉnh Tây Ninh. Phân khu 2, từ đường sắt đến cầu Thủ Dầu Một với giao diện trù phú bao trùm. Phân khu 3, Thanh Đa trải nghiệm hạnh phúc, gồm bán đảo Thanh Đa và vùng phụ cận. Phân khu 4, Trung tâm cánh cửa tương lai, chạy từ ngã ba sông Đồng Nai/Nhà Bè đến cầu Quốc lộ 52.
Đánh giá về đề xuất, đại diện liên danh tư vấn điều chỉnh quy hoạch chung TP Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 cho rằng, việc phân chia sông thành nhiều đoạn, mỗi đoạn đảm nhiệm một chủ đề không phải là tối ưu, mà sẽ làm mất tính nhất quán và sức mạnh tổng thể của toàn tuyến. Chẳng hạn, kết nối bản sắc không thể là câu chuyện của riêng Củ Chi, hạnh phúc không thể là chủ đề riêng của khu Thanh Đa, mà phải xuyên suốt toàn tuyến…
Với độ dài 256 km, riêng đoạn chảy qua TP Hồ Chí Minh là khoảng 80 km, sông Sài Gòn được hình thành tự nhiên qua hàng ngàn năm nay, do vậy giao thông và dải đô thị ở đây cần được thực hiện với tinh thần tôn trọng tự nhiên
Ở một góc nhìn khác, KTS Trần Trọng Hanh - Chủ nhiệm quy hoạch TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2030, cho rằng, nghiên cứu này thực chất là “tầm nhìn hành lang sông Sài Gòn”, với nhiều ý tưởng, “menu rất nhiều món ngon”.
|
Ông Laurent Perrin - nhà quy hoạch cấp cao của Viện Quy hoạch vùng Paris (Pháp) cũng đánh giá ý tưởng hay. Tuy nhiên, ông Laurent Perrin góp ý, trong quá trình thực hiện phải tuân thủ tập trung tạo dựng những công viên, mảng xanh để bảo tồn cảnh quan sinh thái và đời sống người dân trước những tổn thương của môi trường, khí hậu. Đặc biệt, đối với phân khu 3 (khu vực Thanh Đa) - một trong số các bán đảo đẹp do dòng sông Sài Gòn tạo nên, cần được bảo tồn, không bê tông hoá.
Đồng quan điểm, các chuyên gia địa phương gồm: TS.KTS Nguyễn Anh Tuấn - Sở Quy hoạch - Kiến trúc, TS. Vũ Thị Quyền - Đại học Văn Lang, Trần Hữu Phúc Tiến - Nhà nghiên cứu lịch sử, KTS. Hồ Viết Vinh - Đại học Kiến trúc, CEO Đặng Đức Thành - Nhà kinh tế học, và KTS. Đặng Thục Trang cũng nhận định, cần thiết phải bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên ven sông, rạch hiện có. Đồng thời khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống, thiết kế 42 công viên chức năng dọc theo dòng sông và trồng bổ sung khoảng 100 triệu cây các loại xuyên suốt hành lang sông.
TS. Vũ Thị Quyền, Trưởng ngành Công nghệ Sinh học Trường Đại học Văng Lang trong một lần đi khảo sát hệ sinh thái sông Sài Gòn. Ảnh: Hà Nam
Trên cơ sở phân chia sông Sài Gòn (đoạn chảy qua địa phận TP Hồ Chí Minh, 82 km) thành 3 vùng (Thượng lưu – trung lưu/trung tâm – hạ lưu), nhóm chuyên gia này cũng đề xuất quá trình nghiên cứu để ra được bản qui hoạch không gian, chức năng dọc hành lang sông Sài Gòn cần có sự tham gia của nhiều ngành, lĩnh vực. Đặc biệt, rất cần có sự đồng thuận của người dân và các tổ chức xã hội.
“Vai trò của đa dạng sinh học và hệ sinh thái dọc sông Sài Gòn là cơ sở, nền tảng của xây dựng một hệ sinh thái đô thị bền vững cho TP Hồ Chí Minh. Về cơ bản, sông Sài Gòn vốn đã được thiên nhiên ưu đãi với điểm thượng nguồn là khu rừng phòng hộ Củ Chi với hơn 300 loài thực vật bậc cao khác nhau (trong đó có ¾ số loài có giá trị làm dược liệu), gần 100 loài thú và côn trùng; và vùng hạ nguồn là Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ với gần 200 loài thực vật và rất nhiều loài động vật quý. Vùng trung tâm (trung lưu) là sự hiện diện của các loài thực vật ven bờ, ngập nước và bùn lầy. Chúng rất có giá trị đối với bảo tồn và thanh lọc nguồn nước của sông Sài Gòn, cũng như cung cấp nguồn thực phẩm tự nhiên cho con người” - TS. Vũ Thị Quyền - Trường Đại học Văng Lang cho biết.
Đa dạng thảm thực vật bên bờ sông Sài Gòn. Ảnh: Hà Nam
Chia sông Sài Gòn thành 4 phân khu, tuy nhiên cần tôn trọng tự nhiên để phát triển bền vững. Ảnh: Hà Nam
Từ đây, TS. Vũ Thị Quyền nhấn mạnh, có thể xác định việc nghiên cứu qui hoạch không gian, chức năng hành lang sông Sài Gòn cần có sự tích hợp giữa các yếu tố sinh học với gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá – lịch sử, phát triển kinh tế của TP. Theo đó, nhấn mạnh tích hợp sinh học và công trình kiến trúc, sinh học với xử lý môi trường, sinh học và logistic là những vấn đề cần được đưa vào nghiên cứu ngay nhằm sớm đưa kết quả qui hoạch ứng dụng vào thực tiễn, góp phần làm tăng độ che phủ chung của rừng sau khi 100 triệu cây xanh được trồng dọc sông Sài Gòn. Và kỳ vọng “Con rồng xanh sông Sài Gòn” sẽ sớm được đánh thức, TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị sinh thái trong tương lai gần.
"Việc liên danh tư vấn chia sông thành 4 khu vực phát triển cũng tương đồng với đề án phát triển kinh tế dịch vụ ven sông của TP Hồ Chí Minh và rất hợp lý. Đề xuất trên dựa trên nghiên cứu sâu sắc đánh giá hiện trạng, cảnh quan tự nhiên, văn hoá lịch sử, trong đó có việc chỉ ra những điểm nhấn quan trọng về văn hoá như nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, khu di tích địa đạo Củ Chi, bến Bạch Đằng…. Các tư vấn về quy hoạch chung TP (đang được xây dựng) sẽ giúp nắm bắt tinh thần, định hướng quy hoạch hành lang sông Sài Gòn để tích hợp vào quy hoạch chung sau này” – TS. KTS Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng Quy hoạch chung, Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP Hồ Chí Minh |