Chiều 27/1, ông Nguyễn Hồng Ninh, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng IDICO (chủ đầu tư), cho biết sẽ xả trạm thu phí BOT An Sương - An Lạc (quốc lộ 1, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) để tri ân người dân, khách hàng.
Cụ thể, việc xả trạm bắt đầu từ 14h ngày 30 tháng Chạp (nhằm ngày 4/2/2019) đến 6h ngày mùng 4 Tết (nhằm ngày 8/2/2019).
Lý giải việc không cho xả trạm những ngày cao điểm trước Tết Nguyên đán, ông Ninh cho biết nếu làm như vậy sẽ không ý nghĩa.
Việc xả trạm bao gồm nhiều yếu tố nhưng trong đó yếu tố thiêng liêng nhất của những ngày Tết. Đầu năm chúng tôi xả trạm tri ân khách hàng thì mới thực sự ý nghĩa vì đầu năm họ không phải trả phí nên sẽ vui hơn, ý nghĩa hơn và hơn hết chi phí này phía nhà đầu tư chúng tôi chịu”, ông Ninh nói.
Ông cũng cho rằng cao điểm Tết, đơn vị sẽ làm đúng theo quy đinh của pháp luật khi xảy ra kẹt xe kéo dài sẽ cho xả trạm.
“Hiện tại trạm BOT An Sương - An Lạc đã đưa vào hoạt động thu phí ô tô tự động hoàn toàn. Những ngày Tết thì trạm nào cũng đông xe và chúng tôi sẽ làm theo quy định và có thể không phải kẹt xe 700m nữa mà chỉ 50-60 mét nếu thấy có khả năng kẹt xe là chúng tôi đã xả rồi”- ông Ninh nhấn mạnh.
BOT An Sương - An Lạc xả trạm dịp Tết nguyên đán.
Liên quan đến trạm thu phí An Sương - An Lạc, thời gian gần đây có nhiều tài xế tập trung phản đối, gây kẹt xe. Đơn vị quản lý phải cho xả trạm để giải tỏa. Nhiều tài xế cho rằng thời gian thu phí tại đây “lố” 31 tháng. Tuy nhiên, theo chủ đầu tư và các cơ quan chức năng, việc tài xế cho rằng thu phí "lố" chỉ là hiểu lầm.
Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh đã có báo cáo lên thành phố và cơ quan liên quan về dự án BOT này.
Theo Sở GTVT TP, dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 1 (đoạn An Sương - An Lạc) được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2000 theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Công trình được giao cho IDICO thực hiện, có chiều dài toàn tuyến 13,6 km, rộng 36,2 m (gồm 8 làn xe), tổng vốn đầu tư hơn 831 tỷ đồng và được đưa vào sử dụng cuối năm 2004. Chủ đầu tư bắt đầu thu phí hoàn vốn qua trạm BOT An Sương - An Lạc (trạm chính) và 5 trạm phụ từ ngày 2/1/2005, thời hạn 145 tháng. Đến năm 2010, dự án được Bộ GTVT chuyển giao cho UBND TP Hồ Chí Minh quản lý.
Sở GTVT TP khẳng định quá trình đầu tư bổ sung các cầu vượt trên tuyến (tại các nút giao tỉnh lộ 10 – Quốc lộ 1, tỉnh lộ 10B – Quốc lộ 1; nút giao Hương lộ 2 – Tây Lân – Quốc lộ 1; Lê Trọng Tấn – Nguyễn Thị Tú - Quốc lộ 1) với tổng mức đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng, vào dự án BOT An Sương - An Lạc đảm bảo đầy đủ tính pháp lý. Sau khi bổ sung các hạng mục, thời gian thu phí được tính từ 2/1/2017 đến 31/1/2033.
Theo Sở GTVT, khi Quốc lộ 1 đoạn An Sương - An Lạc được mở rộng, lượng xe liên tục tăng, gây áp lực giao thông rất lớn. Việc đầu tư, khai thác các cầu vượt bổ sung gắn liền trong tổng thể của dự án với mục tiêu giảm ùn tắc. Khi xây xong cầu vượt không còn tình trạng kẹt xe tại các nút giao, xe lưu thông thuận lợi, an toàn.
"Đó là hiệu quả xây dựng cầu vượt mang lại cho các phương tiện nên phải trả phí dù đi trên cầu hay đi dưới mặt đường bên cạnh cầu", Sở GTVT lập luận. Mặt khác, cầu vượt nút giao nằm trong cùng mặt bằng dự án BOT An Sương - An lạc do nhà đầu tư quản lý, nếu tách riêng để thu phí thì phải giải phóng mặt bằng và đặt thêm trạm, dẫn đến thu phí 2 lần làm chi phí đầu tư cao. Việc bổ sung cầu vượt nút giao vào dự án, thu phí hoàn vốn là phương án khả thi nên UBND TP Hồ Chí Minh đã được Thủ tướng chấp thuận chủ trương.
Trước ý kiến thu phí đến năm 2033 là quá lâu, Sở GTVT khẳng định thời gian thu phí được tính toán dựa trên nhiều thông số như chi phí đầu tư, doanh thu thu phí, lãi vay, chi phí bảo trì... được kiểm toán và các cơ quan chức năng chấp thuận. Chi phí đầu tư các cầu vượt bổ sung cũng như doanh thu thu phí đều được công khai.
Sở GTVT TP cho biết trong năm 2019, Kiểm toán Nhà nước sẽ kiểm toán toàn bộ dự án BOT An Sương - An Lạc. Giá trị quyết toán sẽ được điều chỉnh theo kết quả của kiểm toán, từ đó tính toán lại thời gian thu phí phù hợp.