Vào khu vực trạm thu phí BOT An Sương - An Lạc, nhiều tài xế đã đưa ra một văn bản có nội dung hợp đồng giữa Bộ GTVT với Công ty cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng IDICO cho thấy thời gian bắt đầu thu phí của trạm BOT An Sương - An Lạc từ tháng 4/2004. Thời gian thu phí kéo dài 145 tháng, đến nay thời hạn thu phí đã quá 31 tháng.
Vì lý do trên, các tài xế yêu cầu đơn vị đầu tư phải bỏ thu phí xe qua lại trạm này.
BOT An Sương - An Lạc phải "xả trạm" vì tài xế phản đối gây ùn ứ, kẹt xe. |
Nói với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hồng Ninh - giám đốc IDICO cho biết trước đây trạm thu phí An Sương - An Lạc có thời gian thu phí đến năm 2017. Tuy nhiên trước khi kết thúc việc thu phí này, đơn vị tiếp tục đầu tư các hạng mục như cầu vượt tỉnh lộ 10, tỉnh lộ 10B, cầu vượt hương lộ 2 và cầu vượt ngã tư Gò Mây. Vì vậy thời gian thu phí, dự án cũng được điều chỉnh tới năm 2033. Tất cả các quy trình đầu tư thủ tục thu phí... điều được thực hiện theo các quy trình, quy định, được sự phê duyệt của các cơ quan có thẩm quyền.
Chiều 3/12, do nhiều tài xế phản ứng, dừng lâu tại khu vực trạm thu phí, doanh nghiệp đã phải cho "xả trạm".
Về sự vấn đề thời gian thu phí. Ngày 22/6/2017, Báo Đấu Thầu đã thông tin: "Dự án BOT Quốc lộ 1A, đoạn An Sương - An Lạc: Thu phí kéo dài vô lý".
Theo đó, dự án BOT Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A, đoạn An Sương - An Lạc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Bộ GTVT giao cho Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng IDICO làm nhà đầu tư. Giai đoạn trước ngày 23/7/2010, công tác quản lý hợp đồng do Bộ GTVT thực hiện, giai đoạn sau ngày 23/7/2010 do UBND TP Hồ Chí Minh quản lý. Quy mô công trình đường giao thông cấp I, chiều dài tuyến gần 13,7 km; thời gian thi công từ tháng 4/2001 và hoàn thành vào quý I/2004. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 831,6 tỷ đồng, trong đó 30% là vốn chủ sở hữu, 70% vốn vay ngân hàng trong nước, thời gian thu phí hoàn vốn là 114 tháng.
TTCP cho biết, qua thanh tra cho thấy việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án khả thi của Bộ GTVT chưa đầy đủ, thiếu chính xác, trong đó phê duyệt tăng sai tổng mức đầu tư (chi phí dự phòng) gần 17,7 tỷ đồng. Điều này là vi phạm quy định tại Thông tư số 09/2000/TT-BXD của Bộ Xây dựng về hướng dẫn lập và quản lý chi phí công trình.
Ngày 27/11/2003, Bộ GTVT và nhà đầu tư ký hợp đồng BOT thay thế hợp đồng BOT năm 2000 với thời gian thu phí là 145 tháng (tăng 31 tháng so với dự kiến ban đầu). Qua thanh tra, TTCP cho rằng, theo quy định Luật Thuế giá trị gia tăng, thuế giá trị gia tăng (VAT) sẽ được Nhà nước hoàn cho nhà đầu tư và thực tế nhà đầu tư trong năm 2005 đã được hoàn thuế VAT với số tiền gần 8,9 tỷ đồng và năm 2006 là hơn 10,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại phụ lục của phương án tài chính trong hợp đồng BOT, hai bên thống nhất tính toán phương án hoàn vốn bao gồm cả thuế VAT hơn 19,5 tỷ đồng nói trên vào tổng vốn đầu tư dự án, dẫn đến kéo dài thời gian thu phí hoàn vốn không đúng quy định.
Bên cạnh đó, theo quy định của hợp đồng, thời gian khai thác thu phí hoàn vốn được điều chỉnh khi giá trị quyết toán công trình thay đổi so với tổng mức đầu tư được duyệt thì 2 bên phải tổ chức đàm phán xác định lại thời gian khai thác thu phí hoàn vốn. Tuy nhiên, dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác thu phí hoàn vốn từ ngày 2/1/2005, tổng mức đầu tư dự án được phê duyệt là hơn 755 tỷ đồng, giảm so với tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu là hơn 831,6 tỷ đồng, tỷ lệ chi phí hoạt động doanh thu, chi phí thuế VAT thay đổi nhưng UBND TP Hồ Chí Minh và nhà đầu tư không tổ chức đàm phán lại theo quy định tại Điều 8 của Hợp đồng BOT.
Theo quy định của Hợp đồng BOT đã ký kết, chậm nhất sau 6 tháng khi dự án hoàn thành nghiệm thu, nhà đầu tư phải hoàn chỉnh hồ sơ và quyết toán dự án theo quy định. Tuy nhiên, dự án hoàn thành, đưa vào khai thác từ tháng 1/2005 nhưng đến ngày 30/12/2008, nhà đầu tư mới phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành.
Lực lượng chức năng có mặt để đảm bảo an ninh trật tự khu vực BOT của IDICO. |
TTCP khẳng định, việc chậm trễ quyết toán hơn 3 năm này là vi phạm quy định tại Điều 13 của Hợp đồng BOT. Tổng vốn đầu tư Dự án được quyết toán hơn 755 tỷ đồng (bao gồm cả thuế VAT), vốn vay là 555 tỷ đồng, các khoản phải trả hơn 7 tỷ đồng, các khoản phải thu hơn 1,2 tỷ đồng.
Như vậy, vốn chủ sở hữu thực tế đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A, đoạn An Sương - An Lạc chỉ hơn 194,5 tỷ đồng, tương đương 25,76% tổng mức đầu tư dự án, không đủ tỷ lệ 30% theo quy định của hợp đồng vốn chủ sở hữu phải đạt, vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 77/CP ngày 18/6/1997 của Chính phủ về ban hành Quy chế đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT áp dụng cho đầu tư trong nước.
TTCP cũng cho biết, tổng doanh thu thực tế đến ngày 31/12/2014 của dự án là hơn 1.390 tỷ đồng; tổng chi phí hoạt động thu phí tính theo mức 15% là 208,5 triệu đồng. Thực tế, nhà đầu tư đã hạch toán chi 223,8 tỷ đồng (bằng 16,1% doanh thu), vượt mức quy định hơn 15 tỷ đồng. Như vậy, tổng chi phí hoạt động thu phí phải điều chỉnh giảm chi phí tính thuế, đồng thời tăng lợi nhuận là 24,5 tỷ đồng. Phần lợi nhuận tăng lên này phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức 5% với tổng số tiền hơn 1,2 tỷ đồng.
Từ kết quả thanh tra, TTCP khẳng định, cơ quan nhà nước có thẩm quyền của dự án là UBND TP Hồ Chí Minh, Bộ GTVT, trực tiếp là các cơ quan tham mưu còn thiếu trách nhiệm trong công việc, chưa thực hiện hết nhiệm vụ được giao trong việc thực hiện dự án, giải phóng mặt bằng; Nhà đầu tư thiếu trách nhiệm trong việc chấp hành các quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện dự án...
Theo quan sát của PV, tới gần 22h00 ngày 3/12, nhiều tài xế có mặt tại khu vực tập trung tại khu vực trạm thu phí BOT An Sương - An Lạc để phán đối về thời gian thu phí.
Tieudung.vn sẽ tiếp tục thông tin.
Chính Trực