Dự án bệnh viện 1.500 giường ở Bình Dương sau hơn 10 năm vẫn chưa thể đi vào hoạt động, phục người dân. Ảnh: Lâm Thiện
Tại hội nghị, theo báo cáo của ngành y tế tỉnh Bình Dương, thời gian qua, ngành gặp không ít khó khăn, như: Đội ngũ nhân viên y tế có thâm niên, tay nghề nghỉ việc, không thể tuyển mới điều dưỡng, hộ sinh; giá dịch vụ y tế chậm điều chỉnh, chưa tính đúng, tính đủ các chi phí cấu thành dẫn đến các bệnh viện chỉ đảm bảo lương mà không có thu nhập tăng thêm cho đội ngũ y, bác sĩ; công tác tổ chức đấu thầu, mua sắm thiết bị vật tư y tế cũng gặp không ít khó khăn do tâm lý e ngại, trong khi các văn bản hướng dẫn đấu thầu còn chưa rõ ràng, phù hợp.
Thực trạng trên, khiến một số gói thầu mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế chưa thể thực hiện được, dẫn đến tình trạng thiếu thuốc cục bộ.
Ông Nguyễn Văn Lợi chia sẻ với những khó khăn trên, nhưng ông yêu cầu, thời gian tới ngành y tế cần: Hoàn thiện đề án “Phát triển tổng thể ngành Y tế tỉnh Bình Dương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”; tháo gỡ nguồn nhân lực y tế; quyết tâm xây dựng mô hình bệnh viện thông minh.
Bí thư Tỉnh ủy ra tối hậu thư, chậm nhất cuối năm 2023 phải đưa Bệnh viện 1.500 giường vào hoạt động để phục vụ người dân, vì để dân chờ đợi quá lâu, sau nhiều lần thất hứa.
Dự án Bệnh viện 1.500 giường Bình Dương có 17 tầng, vốn đầu tư khoảng 2.300 tỷ đồng, khởi công xây dựng từ năm 2014. Theo kế hoạch ban đầu, dự án đến năm 2016 sẽ hoàn thành và hoạt động. Tuy nhiên, tới này công trình vẫn chưa hoàn thành sau những lần tạm ngưng thi công với nhiều lý do khác nhau như: Vướng mặt bằng, ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, công tác mua sắm trang thiết bị gặp nhiều khó khăn...