Bức xúc là bởi những ngôn từ, lời nói và thái độ vô cảm của đội ngũ bảo vệ bệnh viện này trước việc một bệnh nhi thời gian sống chỉ đếm từng giây phút, mong muốn được trút hơi thở cuối cùng tại quê nhà. Vì bị ngăn cản, kéo dài thời gian chờ đợi, bệnh nhi đã tử vong trên xe cấp cứu ngay trong khuôn viên bệnh viện.
Bảo vệ Bệnh viện Nhi Trung ương chặn xe cứu thương (Ảnh cắt từ Clip) |
Xem 2 clip về vụ việc này được đăng tải trên các diễn đàn, hàng nghìn ý kiến bày tỏ sự căm phẫn, uất ức đối với kíp bảo vệ BV Nhi T.Ư. Chứng kiến sự việc này, nhiều người dân và người nhà bệnh nhi có mặt tại đây đã khóc, khóc vì họ bất lực, khóc vì thương cho số phận sinh linh bé bỏng này. Chỉ có sự chai sạn, trái tim vô cảm, những nhân viên bảo vệ ấy mới có lối hành xử bất nhân trước sự việc quá đau lòng.
Những người xem clip đã không thể cầm lòng, nhưng buồn thay, trên facebook của một số bác sĩ không tiếc lời chê trách cộng đồng mạng cũng như báo chí đã lên án hành động này của bảo vệ BV Nhi T.Ư. Thậm chí, có bác sĩ còn cho rằng, nếu muốn bệnh nhân được chết ở nhà, thì tốt nhất không đưa đi viện (!).
Vụ việc càng khiến dư luận phẫn nộ hơn khi lãnh đạo của BV Nhi T.Ư cố tình đẩy cái sai về phía tài xế xe cấp cứu mà chưa nhìn nhận thẳng vấn đề. Rằng, thái độ ứng xử của đội ngũ bảo vệ là không thể chấp nhận được, rằng có hay không hiện tượng bảo kê xe được lưu trú trong BV?
Và thời điểm đó, sự việc xảy ra hơn một giờ đồng hồ mà không có lãnh đạo nào của BV xuống giải quyết thấu tình đạt lý. Đây cũng là một sự thờ ơ, vô cảm đến đau lòng!
Động thái tích cực nhất của BV Nhi T.Ư là đình chỉ công tác kíp bảo vệ và đề nghị phía Công ty Bảo vệ AZ xây dựng lại quy trình đào tạo nhân lực, đặc biệt kỹ năng giao tiếp. Còn BV, gần như vô can?
Để thực hiện kế hoạch đổi mới phong cách và thái độ phục vụ hướng đến sự hài lòng của người bệnh, không chỉ đội ngũ y, bác sĩ phải “đổi mới”, mà BV cần có sự đổi mới toàn diện.
Từ đổi mới kỹ năng giao tiếp của đội ngũ bảo vệ ngay từ cổng vào cho đến thái độ ứng xử của nhân viên y tế các khoa, phòng, từ khâu vệ sinh BV cho đến chất lượng điều trị. Và hơn hết, đừng để bệnh nhân, người dân nhận thấy sự vô cảm từ chính những nơi được gọi là “nhà thương”, được giao nhiệm vụ cao cả “cứu người”.