Theo thông tin từ văn phòng sở hữu trí tuệ Australia (IP Australia) cho biết, một công ty ở nước này đã nộp đơn xin bảo hộ nhãn hiệu gạo ST24 và ST25. Đó là Công ty T&L Global Foods Supply PTY LTD, địa chỉ tại 420 Victoria Rd Malaga, WA, 6090 Australia, nộp đơn ngày 22/4.
Theo dữ liệu đăng tải trên website của IP Australia, doanh nghiệp này nộp đơn đăng ký nhãn hiệu ST24 và ST25 kèm nội dung là "gạo, gạo ngon nhất thế giới" (Rice; Best rice of the world). Hiện IP Australia đang trong quá trình kiểm tra, thẩm định hồ sơ của doanh nghiệp. Như vậy, hiện có 6 nhãn hiệu liên quan đến gạo ST25, trong đó 5 ở Mỹ, nộp đơn xin bảo hộ bên ngoài Việt Nam.
Ông Hồ Quang Cua, "cha đẻ" giống gạo ST24, ST25. Ảnh: Dân Việt
Trước việc gạo ST24, ST25 bị đăng ký nhãn hiệu ở Australia, Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết cơ quan quản lý của Australia vẫn đang trong giai đoạn xem xét. Tuy nhiên, Thương vụ đã triển khai các biện pháp khẩn cấp để xử lý vụ việc.
Thương vụ Việt Nam đã trao đổi với ông Hồ Quang Cua và đề nghị phối hợp hành động. Bên cạnh đó, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Úc - ông Nguyễn Phú Hòa - đã chủ động trao đổi với lãnh đạo Công ty T&L Global Foods Supply PTY LTD.
Theo ông Nguyễn Phú Hoà, lãnh đạo doanh nghiệp này rất có thiện chí và cho biết sẽ kiểm tra lại sự việc với bộ phận thương hiệu của công ty và Thương vụ Việt Nam "vẫn tin ở những điều tốt đẹp".
Đồng thời, Thương vụ Việt Nam đã gửi công văn cùng tài liệu, hình ảnh đến IP Australia để làm rõ giống lúa tên ST24, ST25 là do ông Hồ Quang Cua và nhóm nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu, sản xuất thành công.
Gạo ST24, ST25 là sản phẩm được chế biến từ giống lúa cùng tên, được mang đi thi và đoạt giải quốc tế. Sản phẩm đã được lưu hành trên thị trường, được nhận biết rộng trãi, kể cả tại Australia và đây là sự thật không thể chối cãi.
Vì vậy, Thương vụ Việt Nam đề nghị IP Australia xem xét sự việc, tránh những tranh chấp có thể xảy ra, làm ảnh hưởng đến việc xuất khẩu gạo ST24, ST25 từ Việt Nam sang Australia.
Song song đó, việc tìm luật sư tại Australia cũng đang được Thương vụ Việt Nam tiến hành để chuẩn bị các bước tiếp theo, theo quy định của IP Australia.
Tuy vậy, ông Nguyễn Phú Hoà chia sẻ thêm : "Nếu sự việc diễn biến xấu đi, IP Australia đánh giá hồ sơ của T&L Global Foods Supply đáp ứng các yêu cầu được bảo hộ theo luật nhãn hiệu Australia. Thương vụ sẽ vận động mạng lưới doanh nghiệp, các hiệp hội... ở nước sở tại để có phương án tổng thể "đòi" lại nhãn hiệu này".
Theo quy định của IP Australia, thời gian kiểm tra với các hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tại nước này khoảng 3-4 tháng. Nếu đáp ứng được các yêu cầu, cơ quan sở hữu trí tuệ sẽ ra thông báo chấp nhận nhãn hiệu và công bố thông tin để các bên, nếu có nhu cầu, phản đối trong vòng 2 tháng từ ngày công bố. Nếu không, nhãn hiệu sẽ được chính thức bảo hộ.
“Điểm mấu chốt, Thương vụ sẽ cùng với ông Hồ Quang Cua đẩy nhanh các thủ tục liên quan, vì không có Công ty T&L thì sớm hay muộn cũng sẽ có công ty khác thực hiện các việc làm tương tự”, Nguyễn Phú Hoà nhấn mạnh.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, 3 tháng đầu năm nay xuất khẩu gạo từ Việt Nam sang Australia đạt hơn 4,7 triệu USD, tăng 66% so với cùng kỳ.