Trong Chương trình nghị sự của VBF lần này, các đại diện DN và chuyên gia đã bàn thảo phương thức nhằm hỗ trợ Việt Nam tận dụng cơ hội từ những hiệp định thương mại quốc tế trong bối cảnh các chính sách kinh tế thế giới biến đổi khôn lường.
Toàn cảnh hội nghị sáng 16/6. |
Nhấn mạnh về vai trò của Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA), ông Nicolas Audier Phó chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam EuroCham khẳng định, cơ hội không dừng lại ở những con số, những lợi thế về thương mại và đầu tư. Các DN nhìn thấy, việc thực thi EVFTA sẽ thúc đẩy Việt Nam cải cách thể chế, cải thiện khung pháp lý với những quy định minh bạch hơn, mang lại cơ chế giải quyết tranh chấp và bảo vệ đầu tư hiện đại hơn. Khi đó, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư hiện hữu và đối tác tiềm năng, sân chơi sẽ rộng ra.
“Chúng tôi muốn thể hiện một cách nhìn mới về EU, một đối tác thương mại quan trọng trong tương lai với các DN Việt Nam”, ông Nicolas Audier chia sẻ.
Theo ông Fred Burke - Trưởng nhóm công tác Đầu tư & Thương mại VBF, một trong 2 vấn đề lớn thị trường Việt Nam đang đối diện là phản ứng với việc Hoa kỳ bất ngờ rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Trưởng nhóm công tác Đầu tư & Thương mại VBF khẳng định, Việt Nam đã khôn ngoan khi “không bỏ hết trứng vào giỏ TPP”. Thay vào đó, trong nhiều năm, Việt Nam đã cố gắng tạo nhiều nền tảng với không chỉ “Kế hoạch B” và còn có cả kế hoạch C,D,E,F... bên cạnh TPP. Việt Nam là một ví dụ điển hình về các lợi ích tiềm năng trong thương mại toàn cầu.
Theo đó, "Kế hoạch B" là Hiệp định Thuận lợi hóa Thương mại. Đây là hiệp định đa phương duy nhất trong Vòng đàm phán Doha trong khuôn khổ WTO đã được ký kết, thông qua thành công và có hiệu lực từ ngày 22/2/2017.
“Kế hoạch C” dành cho Việt Nam sẽ bao gồm, đầu tiên và trên hết là, tiếp tục thực hiện các cam kết của Việt Nam và các thỏa thuận khi gia nhập WTO năm 2007. “Kế hoạch D” là tiếp tục thực hiện các mục tiêu được phản ánh trong các hiệp định của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) với 9 quốc gia ASEAN khác. “Kế hoạch E” bao gồm việc theo đuổi các thỏa thuận song phương và đa phương đang chờ ký kết mà đứng đầu danh sách hiện nay là TPP11 (TPP không có Hoa Kỳ); và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) là khối khối thương mại khổng lồ bao gồm Trung Quốc và Ấn Độ cũng như hầu hết các nước Đông Nam Á và Australia. "Kế hoạch F" là tiếp tục cải cách kinh tế và hành chính trong nước để duy trì tính cạnh tranh và xây dựng giảm nghèo và tiến lên một tầm cao mới trong phát triển kinh tế.
Đặc biệt, "Kế hoạch G" do ông Fred Burke đề cập là một hiệp định Thương mại Tự do (FTA) song phương của Việt Nam với Hoa Kỳ.
“Rõ ràng là, chính quyền mới cho rằng họ có nhiều đàm phán hơn cũng như có thể đạt được thỏa thuận tốt hơn bằng hiệp định song phương. Xét các thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ trong giao thương với Việt Nam, các nhóm lợi ích kinh doanh Mỹ sẽ đòi hỏi việc gia tăng tiếp cận thị trường như một phần của thỏa thuận FTA và chính quyền Tổng thống Donald Trump mong muốn thể hiện được lợi ích từ hoạt động xuất khẩu ngay lập tức cho Hoa Kỳ. Việt Nam có thể biến điều này thành cơ hội để tăng tốc lộ trình tiếp cận thị trường lẫn nhau tại thị Trường Hoa Kỳ”, theo ông Fred Burke.