Trong hai ngày 5-6/9/2016 tại TP. Hồ Chí Minh cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID GIG) phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức khóa Tập huấn chuyên sâu về “Cam kết trong lĩnh vực Hàng hóa, Dịch vụ và Đầu tư trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)”.
Tại hội thảo này, bà Trịnh Thị Thu Hiền (Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương) cho biết, muốn hưởng lợi từ TPP thông qua quy tắc xuất xứ, trước hết doanh nghiệp Việt cần phải nắm rõ quy định về quy tắc xuất xứ trong TPP.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Theo đó, Quy tắc xuất xứ được quy định thành một chương riêng trong Hiệp định. Đối với TPP, về cơ bản quy tắc xuất xứ gồm hai phần: Phần 1 là Quy tắc xuất xứ chung; phần 2 là Các thủ tục liên quan đến xuất xứ như chứng nhận xuất xứ, xác minh xuất xứ.
Lấy ví dụ về quy tắc xuất xứ cho mặt hàng tân trang trong TPP, bà Hiền cho hay, TPP quy định linh hoạt cho phép sử dụng các nguyên phụ liệu thu được từ việc tháo dỡ hàng đã qua sử dụng, xử lý, làm sạch đưa về điều kiện hoạt động tốt được coi là nguyên phụ liệu có xuất xứ nếu được dùng để lắp ráp, sản xuất hàng tân trang.
Do đó, chẳng hạn đối với tivi cũ nhập từ Trung Quốc về tháo dỡ, xử lý, lắp ráp lại thành tivi “tân trang” có bảo hành của nhà sản xuất, nếu xuất khẩu sang các nước TPP được hưởng thuế suất ưu đãi TPP.
Bởi vì quy tắc xuất xứ thông thường cho tivi yêu cầu một số bộ phận, linh kiện phải có xuất xứ TPP. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần lưu ý, đối với Hiệp định TPP, áp dụng nguyên tắc cộng gộp thì nguyên liệu nhập khẩu không đạt xuất xứ TPP nhưng có giá trị gia tăng trong TPP (dù chỉ 1%).
Khi đó, số phần trăm giá trị gia tăng thực tế (đạt xuất xứ) của nguyên liệu đó sẽ được cộng gộp để tính hàm lượng TPP trong sản phẩm được sản xuất tại nước xuất khẩu sản phẩm đó.
Việc xác định nước xuất xứ để tính thuế khi áp dụng cộng gộp trong TPP, bà Hiền giải thích: Các nước áp dụng các biểu thuế ưu đãi khác nhau cho các đối tác khác nhau. Cho nên, cùng một mặt hàng nhập khẩu mức thuế áp sẽ khác nhau cho từng nước khác nhau.
Ví dụ: Đôi giày Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ áp thuế 0%, nhưng đôi giày Malaysia xuất khẩu sang Hoa Kỳ áp thuế 10%. Quy định này có thể dẫn đến khả năng đôi giày “gần hoàn thiện” sẽ được chuyển từ Malaysia sang Việt Nam để gia công hoàn thiện thêm, sau đó xuất khẩu sang Hoa Kỳ hưởng thuế suất thấp hơn.
Cũng cần lưu ý là một số nước như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Mexico đưa ra quy tắc riêng để xác định nước xuất xứ để tính thuế khi áp dụng cộng gộp.
Do đó, quy tắc chung xác định nước xuất xứ để tính thuế là nước diễn ra quá trình sản xuất cuối cùng vượt qua công đoạn gia công đơn giản, trong đó các công đoạn gia công đơn giản được quy định rất chung chung.
Bên cạnh đó, tại khóa tập huấn, các học viên sẽ hiểu thêm về hiệp định TPP, giúp các cơ quan quản lý Nhà nước cấp trung ương và địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và các bên liên quan chuẩn bị tốt cho việc thực thi cam kết và đón nhận những cơ hội đối với Việt Nam trong lĩnh vực Hàng hóa, Dịch vụ và Đầu tư khi Hiệp định TPP chính thức có hiệu lực.