Sáng 26/3, Grab phát đi thông báo vừa mua lại toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber tại khu vực Đông Nam Á. Hãng này cho biết đây là thỏa thuận sáp nhập lớn nhất từ trước tới nay tại khu vực. Chi tiết và giá trị của bản hợp đồng không được tiết lộ, chỉ có thông tin Uber vẫn giữ 27,5% cổ phần trong Grab.
![]() |
Uber chính thức bán lại thị phần kinh doanh tại Đông Nam Á cho Grab. |
Grab cho biết sau khi mua toàn bộ Uber, hãng này sẽ tiếp tục củng cố vị trí hàng đầu của mình với vai trò là nền tảng chạy xe lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á. Hiện tại, các hoạt động kinh doanh của Uber tại Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam sẽ sáp nhập vào hệ thống của Grab.
Thương vụ này sẽ đánh dấu việc Uber rời khỏi thị trường Đông Nam Á, thị trường lớn tiếp theo mà hãng đánh mất vào tay các đối thủ. Đây được xem là một chiến thắng của Grab, và sẽ tạo đà để Grab lấn át đối thủ cuối cùng tại Đông Nam Á là Go-jek.
Tập đoàn SoftBank của Nhật Bản được xem là "ông mối" của thương vụ, khi sở hữu lượng lớn cổ phần tại cả Grab và Uber. Đây được xem là động thái nâng cao tính sinh lời của cả hai hãng, khi cuộc chiến cạnh tranh đã khiến cả Grab và Uber thất thoát hàng tỷ USD mỗi năm, một điều mà SoftBank không hề mong muốn.
SoftBank nhiều khả năng muốn Uber và Grab hợp nhất để tập trung nguồn lực cạnh tranh với các đối thủ mới, cũng như những ông lớn muốn gia nhập thị trường Đông Nam Á, như Lyft tới từ Mỹ.
Việc Uber nhường lại thị trường Đông Nam Á đánh dấu một cột mốc thắng lợi đối với Grab cũng như Tập đoàn SoftBank – cổ đông lớn nhất của cả Uber và Grab. Công ty của Masayoshi Son đang nỗ lực giảm bớt áp lực cạnh tranh ở thị trường đặt xe Đông Nam Á – vốn được ựu báo sẽ chạm mức 20.1 tỷ USD vào năm 2025. Uber và Grab, cùng với 2 công ty đặt xe khác vốn cũng được SoftBank hậu thuẫn là Ola của Ấn Độ và Didi Chuxing của Trung Quốc cung cấp tới 45 triệu chuyến đi mỗi ngày, dựa theo phần trình bày của SoftBank hồi tháng 2/2018.