Tổng kết cả năm 2017, chi phí lãi vay của Thế giới Di động là 227 tỷ đồng, trong khi năm 2016 chỉ là 119 tỷ đồng.
Trong Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra cuối tuần qua tại TP.HCM, ông Nguyễn Đức Tài cho biết, chuỗi Điện máy Xanh mới là nhân tố chính đóng góp trong tổng doanh thu và lợi nhuận cho Thế giới Di động đến năm 2020.
Hiện chuỗi bán lẻ Điện Máy Xanh đang đầu thị trường với 30% thị phần trong khi Nguyễn Kim chiếm 12%. Chợ Lớn và HC (lần lượt khoảng 7% và 8% thị phần) và các cửa hàng bán lẻ nhỏ với khoảng 25% thị phần.
Theo kế hoạch kinh doanh của Thế giới Di động, doanh thu năm 2018 sẽ đạt mục tiêu “kỷ lục” lên đến 86.390 tỷ đồng, tăng 30% và lợi nhuận sau thuế đạt 2.603 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2017.
Bên cạnh các kế hoạch doanh thu, lợi nhuận trong năm 2018, Thế giới Di động vừa trình cổ đông thông qua các tờ trình tăng vốn điều lệ cho hàng loạt công ty con. Ngoài tăng vốn cho Công ty TNHH một thành viên Công nghệ thông tin Thế giới Di động và Công ty cổ phần Thế giới Di động lần lượt thêm 400 tỷ đồng (từ 148 tỷ đồng) và 1.000 tỷ đồng (từ 961 tỷ đồng), Thế giới Di động còn tăng thêm 3.000 tỷ đồng cho chuỗi Bách hóa Xanh.
Đây là chiến lược nhằm nhanh chóng mở rộng quy mô cho chuỗi Bách hóa Xanh lên 500 cửa hàng đến hết tháng 6/2018, trong khi con số hiện tại đã trên 300 cửa hàng. Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế giới Di động lý giải, chi phí đầu tư một cửa hàng Bách hóa Xanh khoảng 80.000 USD và muốn đạt số lượng cửa hàng như trên, Công ty buộc phải tăng vốn.
Theo con số tính toán của Công ty cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HSC) , doanh thu thuần năm 2018 của Thế giới Di động đạt 91.259 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 2.666 tỷ đồng.
Trong khi Mekong Capital vừa hoàn tất thoái vốn tại Thế giới Di động, thì theo DealstreetAsia, Alstonia Costata, công ty con của Tập đoàn Creador - đang quản lý tài sản trị giá 875 triệu USD tại 3 quỹ đã “rót” 43,8 triệu USD vào Thế giới Di động.