|
Chị Đặng Lê Thị Thanh Huyền - chủ “Vườn lan huyền thoại” ở xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Tân Tiến |
Lợi nhuận lớn
Một trong những mô hình điển hình áp dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp tại huyện Củ Chi là hộ chị Đặng Lê Thị Thanh Huyền (SN 1973). Chị Huyền bắt đầu trồng hoa lan trên diện tích 1ha ở ấp Cây Da, xã Tân Phú Trung cách đây 12 năm với giống lan Mokara cắt cành. Qua nhiều lần thất bại rồi tìm tòi, học hỏi, chị Huyền đã đầu tư vốn trồng thêm loại lan Dendrobium, Cattleya. Qua nhiều năm phát triển, vườn lan của chị Huyền đã mở rộng lên tới 3ha với 17 - 18 loại Mokara, 50 loại Dendrobium và Cattleya. Chị Huyền cho biết, để đầu tư 1ha trồng hoa lan Mokara hoặc Dendrobium, số vốn ban đầu bỏ ra ít nhất khoảng 3,5 tỷ đồng, gồm xây dựng giàn đỡ, hệ thống tưới nước, phun thuốc tự động, hệ thống thoát nước, hệ thống nhà lưới, cây giống, phân bón, chậu… “Đối với lan Mokara, từ năm thứ 2 trở đi có thể cho doanh thu từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm” – chị Huyền nói.
Hiện nay, huyện Củ Chi có khoảng 210ha trồng hoa kiểng, có trên 300 hộ áp dụng CNC trồng hoa lan trên diện tích 180ha, mỗi hecta hoa lan sau khi trừ các chi phí thu lãi khoảng 1 tỷ đồng/năm; có 18,6ha nuôi cá cảnh (cá Đĩa) trong hồ kính, sản lượng khoảng 17 triệu con. |
Với hiệu quả kinh tế cao, ngày càng nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Củ Chi phát triển mô hình trồng lan CNC. Đầu tư 16 tỷ đồng xây dựng vườn lan Ngọc Đan Vy ở ấp Tiền, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, ông Nguyễn Ngọc Đền cho biết, toàn bộ quá trình trồng được áp dụng hệ thống xử lý nước tưới tự động, phun thuốc tự động, nhà lưới… Với khoảng 100.000 cây/ha, một năm cho ra 10 - 15 cành/cây. “Mỗi năm vườn lan đem lại doanh thu khoảng 3,5 tỷ đồng, trừ các chi phí tôi còn lãi trên 1 tỷ đồng” - ông Tư Đền nói.
Hiện nay, hoa lan tại Củ Chi được tiêu thụ chủ yếu tại một số thị trường lớn như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội… Đặc biệt, thời điểm các dịp lễ, trước Tết và sau Tết Nguyên đán cho đến hết ngày 8/3, hoa lan tại các vườn cung cấp không đủ nhu cầu thị trường nên các hộ trồng lan chưa tính đến xuất khẩu.
Chuyển giao kỹ thuật, xây dựng phòng cấy mô
Theo nhiều người trồng hoa lan tại TP Hồ Chí Minh, hiện nay khó khăn nhất là phải nhập giống từ Thái Lan, dù ở Việt Nam có đến hàng nghìn loại lan rừng. Do đó, các nhà vườn phải phụ thuộc các nhà phân phối giống lan nước ngoài. Ví như mỗi cây giống lan Dendrobium có giá dao động từ 7.000 – 12.000 đồng. Nhiều người trồng lan Dendrobium cho biết nếu trồng dày, khoảng 200.000 – 250.000 chậu/ha, trồng thưa từ 100.000 – 120.000 chậu/ha. Lấy con số trung bình 10.000 đồng/cây giống nhân với số lượng cây trồng/ha đã mất hơn 1 tỷ đồng.
Theo ông Đinh Minh Hiệp - Trưởng ban Quản lý Khu nông nghiệp CNC TP Hồ Chí Minh, Ban Quản lý có nhiệm vụ nghiên cứu, tạo giống các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, sau đó chuyển giao công nghệ. Tại Ban Quản lý, ngoài công việc nghiên cứu cá kiểng giống, chủ yếu nghiên cứu liên quan đến trồng trọt như hoa lan, cây kiểng, rau sạch, cây dược liệu. Sau đó hướng dẫn nhà sản xuất canh tác, nuôi theo các mô hình ứng dụng công nghệ hiện đại. Hiện nay Ban Quản lý đang hướng dẫn chủ “Vườn lan huyền thoại” xây dựng phòng cấy mô để tương lai có hàng chuẩn cung cấp.
Ông Lê Văn Thúa - Trưởng phòng Kinh tế huyện Củ Chi cho biết: Thực hiện chương trình và chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị hiện đại trên địa bàn giai đoạn 2016 – 2020, những năm qua, huyện Củ Chi tập trung vận động, hướng dẫn người dân áp dụng công nghệ vào phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp điều kiện địa phương. “Hiện nay, chúng tôi đang triển khai 3 dự án: Làng hoa kiểng Trung An – Phú Hòa kết hợp du lịch (quy mô 20 - 30ha); Hoàn thiện và mở rộng chuỗi sản xuất – tiêu thụ rau an toàn; Phát triển bền vững đàn bò” – ông Thúa cho biết.