Thái Lan sẽ thúc đẩy Start up pát triển mạnh bằng cách lập sàn chứng khoán cho đối tượng này. |
Thái Lan hiện có hai sàn giao dịch chứng khoán là SET cho doanh nghiệp lớn và thị trường thay thế (Market of Alternative Investment - MAI) cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, điều kiện niêm yết nghiêm ngặt hạn chế sự tham gia của các start-up, khi doanh nghiệp phải có mức vốn điều lệ tối thiểu và phải có lợi nhuận trong ba năm liên tiếp.
"Đây là một khái niệm rất mới tại Thái Lan. Chúng tôi đang triển khai những điều kiện và quy định để mở sàn giao dịch thứ ba này. Với những rủi ro liên quan đến đầu tư vào start-up, chúng tôi đang cân nhắc chưa cho phép nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường này", bà Kesara Manchusree, Chủ tịch SET cho biết.
Ngoài việc giao dịch cổ phiếu như các sàn chứng khoán truyền thống, bà Manchusree cho biết sẽ cho phép các nhà đầu tư và start-up sử dụng thêm những công cụ tài chính khác nhưng chưa đưa ra thông tin nào cụ thể.
Phó thủ tướng Somkid Jatusripitak cho biết chính phủ đang đẩy mạnh các chính sách tiếp sức cho các start-up, cá nhân khởi nghiệp để phát huy nguồn lực từ những đối tượng này trong phát triển kinh tế.
Uỷ ban Khởi nghiệp Quốc gia Thái Lan được dẫn dắt bởi Bộ Tài chính Thái Lan cũng đề xuất dự thảo bổ sung và chỉnh sửa bộ luật Dân sự và Thương mại nhằm cho phép các start-up phát hành trái phiếu chuyển đổi (convertible debentures) và cho nhân viên start-up quyền mua cổ phần.
Trong khi đó, Bộ Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc cũng vừa công bố sẽ triển khai một sàn giao dịch OTC cho start-up vào tháng 10 với tên gọi KRX Startup Market (KSM). Sàn giao dịch này sẽ giúp start-up gọi vốn và khuyến khích hoạt động mua bán, sáp nhập. Điều khác biệt so với Thái Lan là thị trường này cho phép nhà đầu tư cá nhân tham gia.
Theo thông tin từ truyền thông Hàn Quốc, KSM sẽ là bệ phóng cho các start-up niêm yết trên các sàn giao dịch quy mô hơn như: Korea New Exchange (KONEX) và Korea Securities Dealers Automated Quotations (KOSDAQ).
Vào tháng 3 năm nay, Sở Giao dịch Chứng khoán Indonesia cũng đã công bố việc thiết lập một thị trường giao dịch mới với tên gọi là Sàn giao dịch công nghệ (Technology board) nhằm giúp các start-up phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO).
Đến thời điểm hiện tại, hiện chưa có start-up công nghệ nào tại Indonesia phát hành cổ phiếu ra công chúng thành công. Tuy nhiên, tờ Kontan của Indonesia cho biết diễn đàn lớn nhất nước này, Kaskus, và công ty thương mại điện tử hàng đầu Bukalapak đã sẵn sàng để phát hành cổ phiếu đại chúng ngay trong năm nay.