![]() |
Hai đại gia trong ngành bia rượu và nước giải khát là Sabeco và Habeco, trong 2 năm qua đã đẩy mạnh lộ trình thoái vốn. Hiện nay trên sàn OTC giá cổ phiếu của Sabeco đãng tăng phi mã từ 80.000đ/cp hôm tháng 8, đến nay đã lên 100.000đ-102.000đ/cp.
Theo phương án, Nhà nước sẽ thoái toàn bộ 82% vốn đang nắm giữ tại Habeco ngay trong năm 2016. Riêng Sabeco, đợt 1 sẽ thoái 53,59% vốn điều lệ trong năm 2016 và đợt 2 sẽ thoái tiếp 36% còn lại trong năm 2017, sau khi Sabeco niêm yết trên TTCK.
Mới đây, Sabeco đã đề xuất với Bộ Công thương được niêm yết lên Sở GDCK TP.HCM (Hose) và Habeco cũng đã nộp hồ sơ đăng ký giao dịch lên Upcom. Những yếu tố này đã khiến giới đầu tư dành sự quan tâm đặc biệt tới Sabeco và Habeco – 2 doanh nghiệp chiếm lĩnh 60% thị phần ngành bia Việt Nam.
Tính theo mức giá đang giao dịch trên OTC thì vốn hóa Sabeco đạt khoảng 65.000 tỷ đồng và quy mô thoái vốn Nhà nước lên tới 57.500 tỷ đồng, tương đương 2,6 tỷ USD.
![]() |
Nhà đầu tư "đua lệnh" Sabeco trước khi cổ phiếu lên sàn |
Còn với Habeco, cổ phiếu này hiện đang được một số nhà đầu tư chào mua với mức giá 47.000đ – 48.000đ trên thị trường OTC, chỉ nhỉnh hơn đôi chút so với thời điểm đầu tháng 8.
Lượng đặt mua cổ phiếu Habeco trên OTC cũng không quá sôi động như những gì đang diễn ra với Sabeco. Đây cũng là điều dễ hiểu khi hoạt động kinh doanh của Habeco trong những năm gần đây đã tụt hậu đáng kể so với Sabeco. Không những vậy, Habeco hiện đã bị Heineken vượt mặt và chỉ còn đứng thứ 3 về thị phần bia tại Việt Nam.
Nếu tính theo mức giá đang giao dịch trên OTC, vốn hóa Habeco đạt khoảng 10.900 tỷ đồng và quy mô thoái vốn của Nhà nước đạt khoảng 9.000 tỷ đồng.
Tại cuộc làm việc mới đây của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu khi tiến hành bán cổ phần tại các doanh nghiệp, phải đấu giá cạnh tranh, không phân biệt đối tác trong nước và nước ngoài, giá trị quyền sử dụng đất tính riêng. Đồng thời, có biện pháp pháp lý để giữ các thương hiệu quốc gia sau khi bán vốn nhà nước.