BJC đã đầu tư khá nhiều ở Việt Nam, tuy nhiên thương vụ mua lại Metro mới đây khiến nhiều người mới biết tới Tập đoàn. Ông có thể giới thiệu một chút về BJC?
BJC là một công ty thành viên của TCC, ông Charoen đã đầu tư thành công tại một loạt các doanh nghiệp như đồ uống, sản phẩm tiêu dùng, bất động sản, dịch vụ nông nghiệp, tài chính… cả trong khu vực ASEAN lẫn tại Úc, Anh và Mỹ.
Tại Việt Nam, Công ty BJC bắt đầu đầu tư từ năm 1995 với việc đầu tư một nhà máy chai thủy tinh tại Bình Dương. Cho đến nay, BJC đã đầu tư và sở hữu Nhà máy sản xuất giấy vệ sinh Cellox, Nhà máy sản xuất đậu phụ Ichiban, Nhà máy sản xuất chai thủy tinh, Nhà máy sản xuất lon nước giải khát với công suất 850 triệu lon/năm. Đồng thời, BJC hợp tác chặt chẽ với Thai Corp International Vietnam. Doanh thu của BJC tại Việt Nam đã đạt khoảng 45 triệu USD, chiếm 66% doanh thu nước ngoài của BJC.
Vì sao BJC quyết định mua Metro và quá trình mua bán đã diễn ra như thế nào?
Chúng tôi là một công ty có mảng phân phối hàng hóa và ban đầu chỉ nghĩ cách làm thế nào để bán được hàng do các công ty con sản xuất vào các hệ thống siêu thị tại Việt Nam. Mục tiêu này đã đưa tới các cuộc thảo luận chi tiết với Metro và từ đó BJC biết được nhu cầu bán toàn bộ hệ thống của Metro tại Việt Nam.
Công ty tư vấn quốc tế Lazard đã tư vấn cho BJC hoàn tất thương vụ mua Metro. |
Sau đó chúng tôi chuyển hướng sang thảo luận việc mua bán và sáp nhập. Thông qua Công ty tư vấn quốc tế Lazard, chúng tôi đã và đang hoàn tất thương vụ mua Metro. Hiện nay có thể khẳng định rằng thương vụ này là rất tốt cho BJC.
Thay vì đầu tư nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để xây dựng một hệ thống mới, chúng tôi quyết định mua lại Metro và tin rằng việc đó sẽ giúp đẩy nhanh kinh doanh của chúng tôi tại Việt Nam. Nhưng đây chỉ là sự khởi đầu cho một chiến lược đầu tư mới tại Việt Nam.
Bao giờ thì thương vụ này mới chính thức hoàn tất và sắp tới ưu tiên của BJC là gì?
Chúng tôi đang nỗ lực để hoàn tất các thủ tục cần thiết và sẽ tiến hành việc đổi tên Metro vì theo thỏa thuận, chúng tôi chỉ được giữ lại thương hiệu này trong vòng 18 tháng.
Quan điểm của BJC là coi trọng nguồn lực con người trong doanh nghiệp, coi đó là tài sản quan trọng nhất và là một yếu tố quan trọng hàng đầu trong kinh doanh. Chính vì vậy, phát triển nguồn nhân lực là một trong những chính sách quan trọng của chúng tôi trong thời gian tới. Mới đây, BJC đã tài trợ hoàn toàn cho 6 sinh viên, trong đó có 5 sinh viên Việt Nam đi học cao học tại các trường đại học hàng đầu ở Thái Lan, để chuẩn bị cho tương lai.
Chúng tôi luôn nỗ lực để mang lại các sản phẩm và dịch vụ tốt nhất cho người Thái, và cũng sẽ làm điều tương tự cho người Việt. Ở Thái Lan, BJC là một trong những doanh nghiệp được giới trẻ mong muốn được vào làm việc; chúng tôi cũng nỗ lực để tạo ra điều tương tự đó ở giới trẻ Việt Nam. Chúng tôi đào tạo nhân viên thế nào ở Thái Lan, thì cũng sẽ đào tạo như thế ấy cho nhân viên ở Việt Nam.
Gần đây, có những ý kiến lo lắng về việc liệu BJC có tiếp tục duy trì hệ thống các nhà cung cấp hàng hóa hiện hành của Metro hay không. Mặt khác, một số siêu thị lo ngại rằng BJC sẽ ưu tiên bán hàng Thái Lan, gián tiếp gây áp lực lên hàng Việt Nam. Ông có thể nói gì về điều này?
BJC chúng tôi sẽ tiếp tục mối quan hệ hợp tác với các nhà cung cấp tại Việt Nam, giống như Metro đã làm trong nhiều năm qua. Sau khi tiếp nhận Metro, BJC cũng sẽ tiếp tục tìm kiếm thêm các nhà cung cấp địa phương lẫn khu vực để đảm bảo duy trì nguồn sản phẩm tốt nhất cho khách hàng.
Metro hiện có hơn 500 nhà cung cấp địa phương; chắc chắn chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với họ. Mặt khác, thông qua những nhà cung cấp địa phương, chúng tôi sẽ đưa hàng Việt Nam ra nước ngoài, trước mắt là thủy sản và trái cây từ Cần Thơ cũng như rau từ Đà Lạt.
Chúng tôi không có sự phân biệt về nguồn hàng; hàng hóa nào đáp ứng được các tiêu chí về chất lượng và được người tiêu dùng chấp nhận thì hàng hóa đó sẽ có chỗ đứng trong hệ thống của chúng tôi.
Xin cảm ơn ông!