Ông cho biết một số nét tổng quan của thị trường M&A hiện nay? Đâu là những điểm khác biệt so với những năm trước?
Trước đây, khi nói đến M&A chúng ta thường nghe nói đến việc nhà đầu tư nước ngoài vào mua lại doanh nghiệp hay dự án trong nước, nhưng giờ đây đã có các nhà đầu tư trong nước ra nước ngoài mua lại doanh nghiệp hay dự án, như trường hợp Viettel hay FPT gần đây.
Giai đoạn 2008 – 2013, các nhà đầu tư đã chứng kiến một làn sóng M&A tại Việt Nam mà chúng tôi gọi là “làn sóng thứ nhất”. Làn sóng đó diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Khi đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp, kinh tế vĩ mô mất ổn định, thị trường chứng khoán suy giảm, thị trường bất động sản trầm lắng, nhiều doanh nghiệp tiến hành tái cấu trúc để tồn tại và vượt qua khủng hoảng. Mặc dù vậy, giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam trong giai đoạn này đã tăng trưởng 5 lần, từ 1 tỷ USD năm 2008 lên 5 tỷ USD năm 2013. Nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp đã tận dụng cơ hội, với chiến lược M&A phù hợp, trở thành những tập đoàn mạnh.
Bối cảnh hiện nay của thị trường bất động sản đã và đang mang lại cơ hội cho hoạt động M&A. Ông đánh giá gì về M&A trong lĩnh vực này?
Năm 2017 là năm có nhiều thương vụ M&A quy mô hàng trăm triệu USD trong ngành bất động sản, tập trung chính ở các hoạt động như bán dự án bất động sản có tính thanh khoản cao; thâu tóm các dự án lớn của các tập đoàn nước ngoài.
Hiện tượng các chủ đầu tư bán hàng loạt dự án có thể do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Tuy nhiên, xu hướng bán dự án để thu hồi vốn, giải tỏa áp lực cho doanh nghiệp trong lúc thị trường khó khăn là việc làm cần thiết để doanh nghiệp bất động sản thích nghi và tồn tại trong giai đoạn khủng hoảng.
Dự đoán, năm 2018 sẽ là một năm hợp tác thành công của các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.
Ông Đặng Xuân Minh dự báo năm 2018 sẽ là năm hợp tác thành công của các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong hoạt động mua bán doanh nghiệp (M&A). |
Nhiều ý kiến cho rằng thị trường bất động sản hiện đưa tới cơ hội lớn cho hoạt động M&A. Tuy nhiên, vẫn chưa có sự hiện diện của những thương vụ mua lại của các nhà đầu tư nước ngoài, trong khi hoạt động “nội địa” lại có vẻ sôi động?
Theo diễn biến trên thị trường, số lượng người bán rất nhiều vì các nhà đầu tư gặp khó khăn trong khi không có nhiều nhà đầu tư đủ năng lực để mua lại. Tuy nhiên xu hướng M&A sẽ tiếp tục diễn ra. Các dự án nằm ở các vị trí đắc địa thì luôn có các nhà đầu tư quan tâm, cung cầu luôn có, chẳng hạn năm rồi VinaCapital thoái vốn tại một số khách sạn thì có nhà đầu tư tiếp cận ngay. Đối với những dự án khó khăn không triển khai tiếp được và vẫn khó tìm kiếm người mua, mặc dù đang có nhiều người rao bán. Vì sao hoạt động M&A có yếu tố “ngoại” lại ít hơn so với “nội”? Tôi cho rằng vấn đề nằm ở sự am hiểu và tin tưởng của thị trường, các nhà đầu tư bất động sản nội địa có sự am hiểu hơn.
Thị trường M&A trong thời gian tới, theo ông đâu là khác biệt đáng kể mà chúng ta cần lưu ý?
Về tính chất, các thương vụ tại “làn sóng thứ hai” giúp cho việc giải quyết các mục tiêu của doanh nghiệp cũng như của Chính phủ về tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu khu vực ngân hàng, tái cấu trúc và phát triển của các tập đoàn tư nhân. Đặc biệt, việc cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước sẽ là động lực lớn nhất cho hoạt động M&A trong “làn sóng thứ hai”.
Các ngành dự báo có những thương vụ M&A lớn sẽ gồm ngân hàng, sản xuất tiêu dùng, bất động sản, công nghệ thông tin, vận tải – logistic… Chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ chứng kiến “làn sóng thứ hai” của hoạt động M&A, làn sóng của những thương vụ IPO (viết tắt của cụm từ tiếng Anh là Initial Public Offering), có nghĩa là phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu.
Xin cảm ơn ông!