Bể xi măng nuôi ếch của ông Lê Văn Quýt. |
“Trước đây gia đình tôi làm 7 sào ruộng, vất vả lắm nhưng chỉ đủ ăn. Nên để tính đến chuyện mua sắm cái này, cái kia là rất khó. Năm 2006 tình cờ xem trên ti vi thấy mô hình nuôi ếch giống, ếch thịt của bà con nông dân ở một số tỉnh miền Trung rất hiệu quả, từ đó tôi ấp ủ ý định nuôi ếch”, ông Quýt nói về cơ duyên với nghề nuôi ếch.
Nói là làm, ông bắt đầu lân la tìm hiểu. Thời gian đầu với mô hình nuôi ếch trong bể xi măng, cũng như nhiều người khác mới “dấn thân” vào nghề, ông Quýt gặp rất nhiều khó khăn và trở ngại.
“Khi bắt đầu nuôi, tôi đầu tư 3 bể xi măng và thả gần 1.000 con ếch giống. Thời điểm ấy ếch mới 25 ngày tuổi, sau gần 2 tháng chăm sóc, ếch vẫn phát triển bình thường, đùng một cái gần đến ngày thu hoạch bỗng dưng ếch mắc dịch bệnh rồi lăn ra chết hàng loạt. Vụ ếch đó gia đình tôi thua lỗ rất nhiều”, ông Quýt nói về những khó khăn ban đầu.
Dù thất bại nhưng ông vẫn không chịu đầu hàng trước con ếch. Hằng ngày, ông lên mạng tìm hiểu, nghiên cứu trong sách vở, rồi ngược vào nam để học hỏi kinh nghiệm và cách thức nuôi ếch; nhiều lần tham quan mô hình nuôi ếch ở một số nơi, với tinh thần vừa học vừa làm, quyết tâm làm giàu từ con ếch. Sau khi khắc phục đượ̀c các yếu tố làm thất bát mẻ ếch đầu tiên, ông Quýt đã có những thành công trong những mẻ ếch tiếp theo.
Sau một năm nuôi ếch, ông Quýt đã có 3 lần xuất bán đạt gần 1 tấn với giá bình quân 40.000 - 50.000 đồng/kg (1 kg khoảng 5 con ếch), từ khi bắt đầu nuôi cho đến khi xuất bán là 3,5 tháng. Mỗi lần xuất ếch, ông thu nhập hơn 30 triệu đồng. Từ khoản tiền thu được, ông tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi ếch của mình.
Sau gần 10 năm vừa học vừa làm, giờ kỹ thuật nuôi ếch đã được ông Quýt nắm rõ trong lòng bàn tay. Đến nay ông đã đầu tư 10 bể xi măng với 11.000 con ếch, trong đó có 1.000 con bố mẹ, 4.000 con giống và 6.000 ếch thương phẩm. Mỗi năm ông cung cấp ra thị trường 2.000 con giống, 3 tấn ếch thịt, thu lãi hơn 100 triệu đồng.
Cũng theo ông Quýt, nuôi ếch ít tốn thức ăn, chăm sóc đơn giản, nhưng lợi nhuận cao, nuôi thả đồng lứa và chỉ cần lưu ý một số bệnh thường gặp như bệnh đường ruột, bệnh trướng hơi, vì vậy phải phòng bệnh kịp thời bằng cách xử lý nước thường xuyên mỗi ngày, không để nước quá bẩn, để đảm bảo ếch không bị dịch bệnh, mà khả năng tăng trưởng nhanh.
“Cứ 3 năm thay ếch giống bố mẹ một lần. Một năm, mùa sinh sản của ếch từ tháng 2 - 6, chúng đẻ khoảng 5 - 6 lứa. Tuy nhiên ếch phải được che chắn bằng tấm lưới mỏng, giữ đủ nhiệt độ, ánh sáng vừa phải. Thức ăn của ếch có thể dùng bột cám, bột ngô, bột viên tổng hợp... Nhiệt độ thích hợp để nuôi ếch từ 25 - 300C”, ông Quýt chia sẻ thêm.
Sau gần 10 năm nuôi ếch, gia đình ông Quýt từ một hộ nghèo đã vươn lên khá giả. Không chỉ làm giàu cho mình, ông còn giúp cho nhiều hộ gia đình tại địa phương bằng việc hỗ trợ kỹ thuật và con giống. Hiện ếch của ông không chỉ cung cấp trong tỉnh mà còn lan rộng ra Đà Nẵng, Quảng Ngãi... đa phần thương lái đến tận nơi để thu mua.
Hiện nay ở Điện Phương cũng đã có nhiều hộ thả nuôi ếch đạt hiệu quả cao với thu nhập trung bình 20 - 30 triệu mỗi tháng.