Ngân hàng tranh thủ gọi vốn trái phiếu
Ngân hàng Agribank thông báo đã được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán trái phiếu ra công chúng trong tháng 12/2022. Theo đó, ngân hàng sẽ phát hành 100 triệu trái phiếu mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu.
Tổng giá trị trái phiếu chào bán theo mệnh giá là 10.000 tỷ đồng. Kỳ hạn trái phiếu là 8 năm, trả lãi định kỳ một năm/lần.
Đại diện Agribank cho biết, mục đích chào bán trái phiếu ra công chúng là để tăng vốn cấp 2, tạo thêm nguồn vốn dài hạn đáp ứng nhu cầu vay vốn của các khách hàng cá nhân và tổ chức, bảo đảm các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Tương tự, LienVietPostBank cũng đang chào bán lượng lớn trái phiếu nhằm tăng vốn cấp 2. Cụ thể, ngân hàng muốn phát hành 40 triệu trái phiếu có mệnh giá 100.000 đồng, tương đương tổng giá trị là 4.000 tỷ đồng. LienVietPostBank sẽ phát hành theo 3 đợt. Riêng đợt 1 chào bán 1.950 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng.
Trước đó, hồi cuối tháng 11, VietinBank cũng đã thông qua việc sửa đổi phương án phát hành trái phiếu ra công chúng năm 2022. Cụ thể, ngân hàng sẽ phát hành tối đa 9.000 tỷ đồng trái phiếu thay vì 8.000 tỷ đồng như kế hoạch cũ. VietinBank sẽ dùng 9.000 tỷ đồng thu được từ phát hành trái phiếu để tăng quy mô vốn hoạt động, tăng vốn cấp 2 và đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định của NHNN, đồng thời, thực hiện cho vay nền kinh tế (bao gồm các khoản cho vay được giải ngân trước và sau thời điểm phát hành trái phiếu) với các ngành nghề, lĩnh vực: Công nghệ chế biến, chế tạo; sản xuất và phân phối điện, khí đốt;…
Tăng sức cạnh tranh, bổ sung nguồn vốn cho vay
Đại diện LienVietPostBank cho biết, sẽ sử dụng tiền thu được từ phát hành trái phiếu để tăng quy mô vốn hoạt động của ngân hàng và thực hiện cho vay tới khách hàng trong quý I/2023. Với HDBank, vốn từ đợt phát hành sẽ giúp ngân hàng bổ sung nguồn vốn trung dài hạn, phục vụ các kế hoạch tăng trưởng theo chiến lược đề ra. Đồng thời, nâng cao hơn nữa các chỉ số chất lượng tài sản, tỉ lệ an toàn vốn, sẵn sàng áp dụng sớm chuẩn mực Basel III.
Nhận xét về động thái ồ át phát hành trái phiếu trong tháng cuối năm của các ngân hàng, chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, tăng vốn vẫn là nhu cầu thường trực của các ngân hàng nhằm đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn khi vốn chủ sở hữu còn mỏng mà tín dụng lại tăng nhanh hơn nhiều so với tốc độ tăng của vốn chủ sở hữu.
Với tỷ lệ tiền gửi ngắn hạn cao, người dân có thể thường xuyên rút tiền, có thời điểm ngân hàng gặp khó khăn thanh khoản. Chính vì vậy mà hình thức phát hành trái phiếu (với kỳ hạn huy động dài trên 1 năm), ngoài việc tăng quy mô vốn hoạt động còn bổ sung nguồn vốn huy động trung dài hạn đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng.
Thực tế, NHNN tiếp tục nới mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành trong năm nay thêm 1,5-2%, cuộc cạnh tranh huy động vốn đầu vào có thể sẽ ngày càng trở nên quyết liệt. Ngược lại, các ngân hàng cũng phải thực thi nhiệm vụ giữ ổn định lãi suất cho vay, thể hiện qua việc một số ngân hàng gần đây bất ngờ giảm lãi suất cho vay tháng cuối năm, hoặc kéo dài sang tháng 1/2023, như là cách thể hiện để nhận được room tín dụng cao hơn.
Như vậy, với việc chi phí vốn huy động đầu vào của hầu hết các ngân hàng đã tăng mạnh trong năm nay trong khi tiếp cận nguồn vốn trên thị trường liên ngân hàng lãi suất cũng duy trì ở mức cao, thì mục tiêu tăng vốn điều lệ thành công càng trở thành điều kiện quan trọng để giúp các ngân hàng hướng đến nhiệm vụ giữ ổn định lãi suất cho vay.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng nhìn nhận, trong năm 2023, áp lực đối với các ngân hàng trong câu chuyện tăng vốn còn tiếp tục tăng, không kể là khối ngân hàng thương mại Nhà nước hay ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân. Bởi cạnh tranh ngày càng khốc liệt, thị trường nhiều biến động phức tạp. Năm 2023, nguy cơ nợ xấu "dềnh" lên là nhìn thấy rõ, các ngân hàng càng phải tăng vốn điều lệ để gia tăng bộ đệm dự phòng rủi ro trong giai đoạn tới.
Số liệu từ Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, tính đến ngày 25/11/2022, các ngân hàng thương mại phát hành trái phiếu lớn nhất, chiếm 41%; các DN bất động sản và xây dựng chiếm lần lượt 28,59 % và 7,73% tổng khối lượng phát hành, DN sản xuất chiếm 6,72% tổng khối lượng phát hành.