Theo số liệu từ Masan, năm 2016 thị phần các ngành hàng tiêu dùng của tập đoàn này đồng loạt giảm so với năm trước, chỉ riêng thị phần tương ớt tăng trưởng mạnh nhờ thương vụ mua lại Cholimex.
Mảng tương ớt của Masan hiện đã nắm tới 63% thị phần, cao nhất từ trước đến nay và gấp rưỡi so với 2 năm 2014 và 2015.
Trong khi đó, thị phần nước mắm giảm xuống còn 63%, nước tương còn 70%, mì ăn liền còn 24% và cà phê còn 38%, đồng loạt giảm 1-2% so với năm trước.
Nhận xét về việc mất thị phần, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan cho rằng, việc các ngành hàng này tụt hậu là do Masan chưa đủ đổi mới sáng tạo trong ngành hàng gia vị và thực phẩm tiện lợi. "Điều này là không thể chấp nhận được", ông Quang nói và cho biết, Masan đang nhanh chóng tìm giải pháp hợp lý để tái lập cuộc chơi.
Tuy giảm thị phần nhưng năm mảng nước mắm, nước tương vẫn đem lại doanh thu gần 6.000 tỷ cho Masan, tăng trưởng 5% so với năm trước. Thị phần giảm trong khi doanh thu tăng chứng tỏ quy mô thị trường vẫn tiếp tục phình to.
Trái lại, mảng mì ăn liền chỉ giảm 1% thị phần nhưng doanh thu Masan lại giảm tới 11%, xuống còn dưới 3.700 tỷ đồng. Những năm gần đây, thị trường mì gói gặp nhiều khó khăn khi nhu cầu tiêu thụ dần giảm xuống trong khi cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Trên thị trường bán lẻ hiện nay, Masan nắm 180.000 điểm bán lẻ cho lĩnh vực thực phẩm và 110.000 điểm bán lẻ cho lĩnh vực đồ uống trên toàn quốc. Với mạng lưới khổng lồ này, Masan có tham vọng vô cùng to lớn khi muốn đạt vốn hóa thị trường lên đến 10% GDP vào năm 2020, tương đương khoảng 20 tỷ USD.
Điều này có nghĩa, Masan sẽ phải tạo ra doanh thu 10 tỷ USD và mỗi người tiêu dùng sẽ phải chi 10 USD/tháng để mua sản phẩm và dịch vụ của Masan, thay vì 2USD/tháng như hiện nay.