Ngày 25/12, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã ra thông báo Kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng các công trình điện theo quy hoạch điện VII và quy hoạch VII điều chỉnh. Đáng chú ý, tại kết luận này, TTCP đã chỉ ra nhiều sai phạm liên quan đến một số điện mặt trời của Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam (Trungnam Group).
Cụ thể, TTCP cho biết, về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc 204 MW và Trung Nam Thuận Nam: Việc thẩm định năng lực tài chính nhà đầu tư dự án điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc và dự án điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam chưa thực hiện đúng quy định tại điểm d khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư 2014; không đảm bảo năng lực tài chính theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 58 Luật Đất đai 2013, điểm c khoản 1 và điểm a, điểm b khoản 2 Điều 14 Nghị định số 43/2014/NĐ- CP ngày 15/5/2014.
TTCP đánh giá, trách nhiệm thuộc về UBND tỉnh Ninh Thuận, các cơ quan tham mưu có liên quan thuộc UBND tỉnh.
Nhà máy điện Mặt Trời Trung Nam Thuận Nam 450Mw kết hợp Trạm biến áp 500Kv được khởi công từ giữa tháng 5/2020 do Trungnam Group thực hiện. Ảnh: Trungnam Group
Theo tìm hiểu, dự án điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450MW là dự án lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á cùng hệ thống trạm biến áp, truyền tải 500kV đầu tiên do Trungnam Group đầu tư, với tổng vốn đầu tư lên đến 12.000 tỷ đồng. Dự án được triển khai trên diện tích 557,09ha, trong đó có hơn 17km đường dây truyền tải 500kV, 220kV kéo dài từ xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận đến xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.
Trong khi đó, dự án nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc 204 MW (nằm tại huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận), là dự án điện mặt trời đầu tiên của Trung Nam tại tỉnh này. Dự án được hoàn thành sau gần 12 tháng thi công; sản lượng điện tối đa khoảng 450 triệu kWh/năm với hơn 700.000 tấm pin. Tuy nhiên, sau một thời gian Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc công suất 204 MW tại Ninh Thuận bán điện, Công ty CP Kỹ thuật công nghiệp Á Châu (ACIT) và phía Trung Nam đồng thời xác nhận, ACIT đã mua 49% cổ phần nhà máy này. Cụ thể, ACIT cho biết, đã mua 49% cổ phần của Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc 204 MW.
Sau khi hoàn tất chuyển nhượng 49% số cổ phần, Trung Nam cũng đã chuyển giao chức vụ giám đốc Công ty CP Điện mặt trời Trung Nam cho ông Nguyễn Đăng Khoa - Phó Tổng giám đốc ACIT.
Trungnam Group được thành lập vào 2004, đến nay, tập đoàn có 7 dự án điện mặt trời và điện gió. Các dự án điện gió của Trungnam Group đa phần hoàn thành vào cuối tháng 10/2021. Ngoài ra, doanh nghiệp còn có 3 dự án thủy điện với tổng công suất 118 MW, sản lượng 435 triệu kWh.
Về tình hình tài chính, trước đó, trong năm 2022, Trungnam Group không có lô trái phiếu nào đến hạn trả gốc. Công ty trả đúng các đợt thanh toán lãi với tổng số tiền hơn 350 tỷ đồng. Tuy nhiên sang đầu năm 2023, Trungnam Group liên tục ra thông báo về việc chậm thanh toán nợ gốc và lãi trái phiếu các lô đến hạn. Về lý do chậm thanh toán, Trung Nam cho biết do lãi suất tăng cao, kỳ thu tiền điện bình quân tăng đột biến ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp.
Theo đó, cuối tháng 11/2023, Trungnam Group đã có văn bản gửi Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) công bố thông tin bất thường về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu.
Cụ thể, Trungnam Group công bố việc chậm thanh toán lãi đối với lô trái phiếu có mã TNGCB2124001 với số tiền lãi chậm thanh toán là 106,9 tỷ đồng. Công ty này cũng cho biết, thời gian dự kiến sẽ thanh toán số tiền này vào cuối năm 2023 (31/12).
Trong hệ sinh thái Trung Nam Group còn có 5 thành viên cũng đang chịu áp lực thanh toán trái phiếu rất lớn là Công ty CP Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1, Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam, Công ty CP Điện Mặt Trời Trung Nam Trà Vinh, Công ty CP Điện mặt trời Trung Nam. Tổng dư nợ trái phiếu tính đến cuối năm 2022 của cả nhóm ở mức 24.270 tỷ đồng. Trong đó, riêng dư nợ Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam gần 5.000 tỷ đồng.