Theo kế hoạch dự kiến, sáng ngày 30/6, Đại hội cổ đông thường niên (ĐHCĐ) 2020 của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam được tổ chức nhằm trình cổ đông kế hoạch kinh doanh 2020 và một số vấn đề quan trọng như mua lại toàn bộ nợ đã bán cho VAMC, tập trung xử lý gần 75 triệu cổ phiếu STB để thu hồi nợ trong năm 2020 và bầu lại thành viên Hội Đồng Quản Trị (HĐQT), BKS nhiệm kỳ mới...
Tỷ lệ cổ đông tham dự không đạt theo quy định khiến đại hội cổ đông lần 1 diễn ra bất thành.
Tuy nhiên, ông Trần Ngọc Dũng – Trưởng ban kiểm tra tư cách cổ đông cho biết, tính đến 9h37 phút, chỉ có 133 cổ đông tham dự, đại diện cho 17,54%, tương đương 215,58 triệu cổ phiếu. Như vậy, ĐHCĐ lần 1 Eximbank đã không thể tổ chức.
Theo điều lệ của Eximbank về điều kiện tiến hành đại hội cổ đông, là số cổ đông dự họp ít nhất 65% trong tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, thì số lượng này không đủ điều kiện để tổ chức đại hội.
Việc tranh chấp chiếc ghế quyền lực cũng khiến Eximbank là một trường hợp khá đặc biệt khi đã niêm yết chính thức trên thị trường chứng khoán lại có rất nhiều lần không thể tổ chức được ĐHCĐ theo quy định.
Trong tài liệu phục vụ ĐHCĐ thường niên, Ban Kiểm soát Eximbank cũng đã nhận định, đối với công tác quản trị trong nhiệm kỳ vừa qua (đặc biệt trong năm 2019) hoạt động của HĐQT ngân hàng thiếu nhịp nhàng. Trong đó, các thành viên HĐQT còn nhiều ý kiến trái chiều gây tranh cãi, các cuộc họp thường xuyên kéo dài mà không đưa ra được quyết định cuối cùng.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các lần họp đại hội cổ đông bất thành là do cổ đông/nhóm cổ đông không tìm được tiếng nói chung dẫn đến đại hội không có tỷ lệ tham dự tối thiểu.
Ngân hàng cũng thừa nhận thời gian qua, HĐQT đã tổ chức nhiều phiên họp để thông qua một số nội dung thuộc thẩm quyền của HĐQT, phục vụ cho các hoạt động quản trị điều hành ngân hàng. Trong đó, một vài phiên họp đã phát sinh những ý kiến khác nhau liên quan đến các thủ tục, trình tự và hiệu lực pháp lý của các biên bản, nghị quyết liên quan. Thực trạng này phản ánh đúng những khác biệt từ những góc nhìn khác nhau của các thành viên HĐQT.
Những lý do trên dẫn tới việc chậm ra quyết định đối với các vấn đề hệ trọng của ngân hàng, điển hình là vấn đề bổ nhiệm tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Eximbank dẫn đến việc Eximbank bị xử phạt hành chính và gây ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của ngân hàng.
Dù thông báo không đủ điều kiện tiến hành Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 Eximbank sáng nay, nhưng ban tổ chức vẫn thông báo cuộc họp bất thường vẫn diễn ra vào 14h chiều nay.
Cuộc họp bất thường này được tổ chức theo kiến nghị của các cổ đông lớn, trong đó có cổ đông Nhật SMBC đang nắm 15% vốn tại Eximbank.
Cụ thể, cổ đông này kiến nghị phiên họp bất thường sẽ miễn nhiệm vị trí thành viên HĐQT của ông Yasuhiro Saitoh. Đồng thời, yêu cầu cắt giảm quy mô nhân sự HĐQT hiện tại từ 10 người xuống tối đa 7 thành viên, nhưng vẫn đảm bảo không thấp hơn 5 người. Cổ đông này cho rằng cơ cấu hiện nay đã dẫn đến mâu thuẫn liên tục.
Cổ đông lớn SMBC của Eximbank còn nhấn mạnh các vấn đề họp Đại hội đồng cổ đông bất thường mà cổ đông quan tâm nhất thuộc về năm tài chính 2019, nhưng chưa được giải quyết và bị trì hoãn trong thời gian dài. Do đó, một cuộc họp đại hội bất thường để giải quyết các vấn đề này là một nhu cầu cấp thiết.