|
Ông Viên Viết Hùng. |
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội Viên Viết Hùng cho biết, việc triển khai thu thuế thương mại điện tử (TMĐT) sẽ được thực hiện theo từng bước, có lộ trình, không “đánh trống bỏ dùi” và đảm bảo sự công bằng giữa các cá nhân kinh doanh.
1.000 tài khoản đã phản hồi
Được biết, Cục Thuế TP Hà Nội đã gửi tin nhắn yêu cầu các cá nhân, DN có hoạt động kinh doanh TMĐT kê khai thuế. Đến nay, kết quả thực hiện đến đâu, thưa ông?
- Luật Quản lý thuế quy định, cá nhân kinh doanh qua mạng xã hội cũng giống như cá nhân kinh doanh theo mô hình truyền thống (có cửa hàng, có địa điểm cụ thể) đều phải thực hiện thủ tục đăng ký thuế. Các cá nhân sử dụng mạng xã hội làm một kênh bán hàng như một việc làm thời vụ để tăng thêm thu nhập cũng không phải ngoại lệ. Nếu doanh thu trên 100 triệu đồng/năm, người nộp thuế phải thực hiện nghĩa vụ kê khai, nộp thuế (GTGT, TNCN).
Từ 19/6/2017 đến nay, Cục Thuế TP Hà Nội đã nhận được những phản hồi tích cực từ các cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT trên địa bàn qua công tác tiếp nhận hồ sơ đăng ký thuế và thông tin phản hồi tại phiếu khảo sát gửi về Cục Thuế. Qua đó thể hiện sự quan tâm, hiểu biết và ý thức rõ trách nhiệm của cá nhân tham gia kinh doanh.
Tuy nhiên, có một số chủ tài khoản kinh doanh TMĐT sau khi nhận được tin nhắn thông báo còn đang băn khoăn, chưa phân định rõ việc đăng ký, kê khai thuế và việc nộp thuế, chưa rõ quy định về việc xác định thu nhập và các khoản thuế phải nộp, vì vậy còn đang chần chừ chưa cung cấp thông tin cho cơ quan thuế.
Qua rà soát cơ quan này đã xác định được 13.422 địa chỉ có thực hiện kinh doanh, quảng cáo trên mạng. Sau đó, cơ quan thuế đã loại trừ gần 2.000 trang chỉ thực hiện quảng cáo còn đã đăng ký và có mã số thuế. Hiện tại, sau 2 lần gửi thông báo và nhắn tin đến các chủ tài khoản có hoạt động kinh doanh qua mạng, đã có hơn 1.000 tài khoản đã phản hồi. Trong đó có khoảng 50% tài khoản đã chủ động đến cơ quan thuế để đăng ký thuế và kê khai thuế.
Về mặt nguyên tắc, người nộp thuế phải thực hiện kê khai, còn cơ quan thuế là cơ quan giám sát việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế theo quy định của pháp luật.
Một trong những vấn đề khiến người nộp thuế băn khoăn là làm sao để đảm bảo được tính công khai, minh bạch, sự công bằng khi xác định doanh thu đối với các tổ chức, cá nhân bán hàng qua mạng. Thưa ông, cơ quan thuế đã có những giải pháp nào trong thu thập dữ liệu của các đối tượng này?
- Để đảm bảo tính công bằng, chính xác thì công tác thu thập dữ liệu là một việc rất quan trọng, Cục Thuế TP Hà Nội đã triển khai áp dụng các ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình thu thập, phối kết hợp với các cơ quan ban ngành liên quan để kiểm soát thông tin một cách chính xác nhất.
Hiện tại, Cục thuế Hà Nội đã và đang phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan, các đơn vị cung cấp dịch vụ xây dựng phương án, giải pháp. Việc triển khai sẽ được thực hiện theo từng bước, có lộ trình, đảm bảo rằng sẽ tiến hành hướng dẫn, quản lý triệt để các cá nhân kinh doanh theo quy định của pháp luật, không "đánh trống bỏ dùi", cũng như đảm bảo sự công bằng giữa cá nhân kinh doanh đã đăng ký thuế và cá nhân không đăng ký thuế.
Xác định doanh thu thế nào?
Vậy, cơ quan thuế có công cụ nào đo đếm được lượng hàng bán ra để thu thuế, trong khi có những cá nhân chỉ dùng cho mục đích quảng cáo, còn lại thì bán hàng không có hóa đơn?
- Ðặc thù của hoạt động kinh doanh TMĐT là hình thức kinh doanh dựa trên hạ tầng về công nghệ thông tin. Do đó, cơ quan thuế cũng cần sử dụng CNTT như một công cụ hữu hiệu để quản lý thuế. Cần có những giải pháp hiệu quả, tăng cường công tác quản lý thuế, bảo đảm không làm tăng thủ tục hành chính, có tính hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp.
|
Hoạt động kinh doanh, mua bán trên các trang mạng xã hội ngày càng phổ biến hơn. Ảnh: Chiến Công |
Ngành thuế sẽ chủ động nghiên cứu đề xuất với các cơ quan chức năng có phương án kết nối, trao đổi thông tin điện tử với các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại, các công ty viễn thông, công ty hoạt động trong lĩnh vực CNTT, truyền dẫn, cung cấp hạ tầng mạng, các công ty bưu chính, chuyển phát, để trao đổi, thu thập, nắm bắt thông tin của các đơn vị có hoạt động TMĐT.
Trong quá trình thu thuế đặc biệt này, Cục Thuế có phối hợp với Facebook, Zalo… cũng như các trang mạng xã hội khác để có dữ liệu chính xác cho việc thu thuế hay không, thưa ông?
- Việc phối hợp với cả những DN chuyên hoạt động về TMĐT (Facebook, Zalo …) cũng là việc rất cần thiết, Cục Thuế sẽ tham mưu Tổng cục Thuế xây dựng các phương án trình Bộ Tài chính và các Bộ liên quan trong quá trình xây dựng cơ chế phối hợp.
Hiện nay, Cục Thuế Hà Nội đã đưa các thông tin hướng dẫn về nghĩa vụ đăng ký, kê khai thuế, cách thức khai báo thông tin để các cá nhân kinh doanh qua mạng kê khai với cơ quan thuế. Tuy nhiên, nếu các tài khoản này không thực hiện đầy đủ thì việc thu hồi tài khoản, khóa tài khoản được làm như thế nào?
- Ngày 19/6/2017, Cục Thuế TP Hà Nội thực hiện gửi tin nhắn SMS hướng dẫn kê khai thuế tới các cá nhân kinh doanh qua Facebook với mục đích hướng dẫn các cá nhân kinh doanh hiểu rõ trách nhiệm của mình, khuyến khích người kinh doanh đăng ký theo quy định của Luật Quản lý thuế và tự giác thực hiện nghĩa vụ theo quy định.
Để quản lý loại hình kinh doanh trên mạng, người dân cũng cần hiểu rõ trách nhiệm của mình. Cơ quan thuế tập trung hướng dẫn, hỗ trợ, khuyến khích người kinh doanh đăng ký theo quy định của Luật Quản lý thuế và tự giác thực hiện nghĩa vụ theo quy định. Đồng thời, tổ chức quản lý giám sát, đối với trường hợp cố tình không đăng ký thuế sẽ thực hiện các giải pháp theo quy định của pháp luật.
Xin cảm ơn ông!
Trách nhiệm của người nộp thuế theo quy định của pháp luật là phải kê khai đúng. Nếu phát hiện gian lận, trốn thuế, người nộp thuế sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội Viên Viết Hùng
|