1.Thu thuế đối với kinh doanh qua mạng
Cục Thuế TP.HCM cho biết, hiện nay cơ quan thuế đang tiến hành rà soát, lọc thông tin các tài khoản có hoạt động kinh doanh bao gồm: các trang web, tài khoản Facebook, sàn giao dịch thương mại điện tử... trên địa bàn TP HCM để tiến hành tính toán thu thuế. Tuy nhiên, chỉ có các tài khoản kinh doanh có doanh số lớn và chưa kê khai thuế mới buộc nộp thuế. Các tài khoản chỉ kinh doanh nhỏ lẻ, không thường xuyên, doanh số thấp sẽ không thuộc diện phải kê khai, nộp thuế.
Sau khi có kết quả rà soát, cơ quan thuế sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với những cá nhân kinh doanh qua mạng nói chung và qua Facebook nói riêng có phát sinh giao dịch thường xuyên. Nếu các tổ chức, cá nhân đó chưa có kê khai nộp thuế thì cơ quan thuế sẽ yêu cầu kê khai nộp thuế theo quy định.
Một trang bán hàng thời trang trên facebook. |
Chị Nguyễn Hồng Nhung, kinh doanh mặt hàng thời trang trên mạng cho biết: “Nếu đã thu thuế với người bán hàng online có thu nhập cao thì phải rà soát hết, chớ người bị nộp, người thì không bị do bỏ sót thì không công bằng. Với lại những người bán hàng online như tôi cũng muốn biết doanh thu bao nhiêu mới bị thu thuế.”
Trong khi đó, chị Mai, chủ cửa hàng kinh doanh quần áo tại quận Tân Bình chia sẻ: “Thu thuế qua mạng vậy cho công bằng với mấy người bán ngoài cửa hàng. Bán tại cửa hàng ngoài trả lương cho nhân viên thì phải đóng thuế, mà bán nhiều khi không bằng bán trên mạng.”
Hiện có tới 35% doanh nghiệp đang bán hàng trên mạng xã hội, hàng triệu cá nhân, hộ kinh doanh đang bán hàng trên Facebook với doanh thu lớn nhưng không nộp thuế. Các chuyên gia cho rằng việc thu thuế này để tạo ra công bằng cho những người nộp thuế. Rất nhiều tài khoản bán hàng trên Facebook đang có doanh thu rất lớn nhưng không phải nộp thuế, trong khi những người bán mặt hàng tương tự nhưng sử dụng cửa hàng vẫn phải đóng thuế.
2. Quản lý chặt chẽ khi thu thuế kinh doanh online
Theo số liệu của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh trực tuyến, tính đến cuối tháng 3-2017, trên cả nước có 724 sàn giao dịch điện tử; hơn 15.500 trang web bán hàng trực tuyến; 64 doanh nghiệp kinh doanh trò chơi trực tuyến và 171 trang mạng xã hội được cấp phép hoạt động. Riêng tại TP.HCM có hơn 7.300 trang web bán hàng trực tuyến và hơn 12.000 tài khoản Facebook có phát sinh các giao dịch mua bán hàng trên mạng.
Việc thu thuế kinh doanh qua mạng khó kiểm soát bởi chủ kinh doanh có thể xóa bớt thông tin, đại diện Cục thuế TP HCM cho biết, đối với các doanh nghiệp thì luôn có hóa đơn chứng từ thể hiện đầu vào và dựa vào giá bán sẽ xác định được doanh thu bán ra. Còn đối với các cá nhân, cơ quan thuế cũng đã có những giải pháp như xác minh nguồn hàng đầu vào hay kiểm tra các giao dịch qua các tài khoản ngân hàng… để từ đó xác định được các doanh thu bán ra.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì hầu hết người Việt Nam hiện nay vẫn có thói quen chi tiêu, thanh toán bằng tiền mặt nên khi họ mua bán với nhau trên mạng và trả bằng tiền mặt, rất khó có cơ sở theo dõi và kiểm soát các giao dịch.
Không chỉ thu thuế bán hàng trên Facebook mà cơ quan quản lý khẳng định sẽ tính toán thu thuế cả trên các mạng xã hội như Instagram, YouTube...
Dự kiến trong tuần này, Cục Thuế TP.HCM sẽ trình lên UBND TP.HCM kế hoạch phối hợp với các ban ngành để thu thuế quản lý kinh doanh thương mại điện tử, trong đó có thu thuế các tài khoản Facebook đang kinh doanh.