Động thái Grab thâu tóm chi nhánh Uber ở Đông Nam Á sẽ chấm dứt sự cạnh tranh khốc liệt giữa hai hãng tại thị trường có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ này.
Về cơ bản, thỏa thuận thâu tóm này cũng sẽ giống với thỏa thuận giữa Didi Chuxing và Uber tại thị trường Trung Quốc vào năm 2016. Uber chấp nhận bán mảng kinh doanh của mình tại Trung Quốc cho đối thủ Didi, đổi lại cổ phần trong công ty.
Theo hãng tin Bloomberg, cổ phần của Uber trong Grab có thể lên đến 20% sau khi thỏa thuận được hoàn tất. Đó là một con số khá lớn, giúp Uber vẫn có được lợi nhuận từ thị trường cho đi nhờ xe tại Động Nam Á dù không chính thức tham gia.
Grab hiện đang đàm phán riêng với các nhà tài trợ của mình, trong đó có cả SoftBank. Điều này khá dễ hiểu, khi Grab được định giá 6 tỷ USD có thể sẽ phải nhờ tới các nhà tài trợ khác để đủ nguồn lực thâu tóm Uber.
Đầu năm 2018, Tập đoàn viễn thông SoftBank của Nhật Bản trở thành cổ đông lớn nhất của Uber, khiến có nhiều đồn đoán rằng công ty này sẽ sáp nhập các startup gọi xe mà hãng có cổ phần để tránh cạnh tranh lẫn nhau. SoftBank hiện có cổ phần tại Didi Chuxing của Trung Quốc và Ola của Ấn Độ - stratup đang "đối đầu" với Uber ở thị trường này.
Sau thương vụ đó, một giám đốc của SoftBank đã gia nhập hội đồng quản trị Uber và nói với Financial Times rằng Uber sẽ tập trung vào các thị trường cốt lõi như Mỹ, châu Âu, Mỹ Latin và Australia.