Cổ đông 8 năm ngậm ngùi “nhịn” cổ tức
Sau 7 năm không chia cổ tức, chính sách cổ tức là một trong những vấn đề được cổ đông quan tâm tại ĐHCĐ năm 2018 của Techcombank. Tuy nhiên, lại một lần nữa, HĐQT Techcombank tiếp tục trình cổ đông giữ lại lợi nhuận để thực hiện tăng vốn tự có, vốn cổ phần của ngân hàng theo quy định pháp luật. Như vậy, đây là năm thứ 8, Techcombank duy trì chính sách không chia cổ tức suốt 8 năm liên tiếp để dành nguồn lực cho việc tăng quy mô vốn, phục vụ cho chiến lược đẩy mạnh tăng trưởng kinh doanh và cải thiện các chỉ số an toàn, lành mạnh tài chính.
|
Ảnh minh họa |
Tại ĐHCĐ 2018, liên quan đến thắc mắc của cổ đông về việc không thấy HĐQT đề cập tới việc tăng vốn trong năm 2018 trong khi năm 2017 chỉ thực hiện được một phần rất nhỏ, Chủ tịch HĐQT Hồ Hùng Anh cho rằng, hiện nhiều nhà đầu tư quan tâm đến vốn điều lệ của ngân hàng nhưng thực tế tiền cổ đông lại phản ánh ở chỉ tiêu vốn chủ sở hữu.
“Khi vốn điều lệ tăng lên số lượng cổ phiếu của cổ đông tăng lên nhưng giá trị thực tế nằm ở vốn chủ sở hữu. Hiện, vốn điều lệ Techcombank chỉ hơn 11.000 tỷ đồng nhưng vốn chủ sở hữu đã lên 26.900 tỷ đồng (tính đến tháng 12/2017). Đó là còn chưa kể phần thặng dư vốn tiếp tục phát sinh khi bán thành công cổ phiếu quỹ. Trừ một phần nhỏ, phần lớn đều có thể nhập vào vốn điều lệ tại bất kỳ thời điểm nào. Chúng tôi sẽ tính toán thời điểm và mức tăng cụ thể sẽ cần phải tính toán để đạt lợi ích lớn nhất cho cổ đông” - Chủ tịch HĐQT Techcombank cho biết.
Kết thúc năm 2017, ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế hơn 8.000 tỷ đồng, là năm thứ 2 liên tiếp có mức tăng gấp đôi so với năm trước liền kề. Tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu ROE đạt 23,84%; lợi nhuận trên tổng tài sản đạt hơn 2,09%.
Năm 2018, Techcombank đặt mục tiêu doanh thu tăng 20%; lợi nhuận trước thuế ở mức 10.000 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2017. Tổng tài sản dự kiến đạt 315.184 tỷ đồng, tăng trưởng 17%; huy động vốn tăng trưởng 40%, tín dụng tăng trưởng 18% và duy trì nợ xấu thấp hơn 2%. Ngân hàng sẽ tiếp tục đi theo hướng tăng đóng góp từ thu phí dịch vụ trong tổng doanh thu để giảm thiểu rủi ro tín dụng và sự phụ thuộc vào dư nợ nhờ việc tận dụng hiệu quả hệ thống ngân hàng giao dịch.
Kế hoạch niêm yết có tiếp tục lỡ hẹn?
Ngoài “lỡ hẹn” cổ tức, nhiều năm liền, Techcombank cũng lên kế hoạch niêm yết nhưng vẫn chưa được hiện thực hóa và chỉ dừng ở ngưỡng cửa kế hoạch. Ít nhất 2 cổ đông đã đề cập đến vấn đề lên sàn HoSE. “Năm trước, HĐQT đã có tờ trình lên sàn và được thông qua nhưng cuối cùng đã không thực hiện được. Năm nay, HĐQT lại có tờ tình nhưng lại nói chung chung, không có gì đảm bảo là sẽ thực hiện được” - một cổ đông nói. Thậm chí, các cổ đông còn đưa “lệnh” yêu cầu HĐQT đưa ra hạn chót cho việc lên sàn.
Trả lời vấn đề này, Chủ tịch Hồ Hùng Anh khẳng định 2018 là thời điểm phù hợp để lên sàn. Còn thời điểm cụ thể sẽ được HĐQT lựa chọn để tốt nhất cho cổ đông. Cùng đó, một trong các yêu cầu của nhà đầu tư chuẩn bị mua phần cổ phiếu quỹ là đưa cổ phiếu lên sàn.
Ngược đường?
Một vấn đề khác khiến cổ đông thắc mắc là trong khi các ngân hàng khác “hốt bạc” với công ty tài chính tiêu dùng thì Techcombank lại đi ngược xu thế với quyết định bán công ty TechcomFinance. Liệu đây có phải là một động thái chốt lời? Ông Hồ Hùng Anh cho hay, ngân hàng có nhiều mô hình phát triển kinh doanh. Techcombank không chọn mô hình rủi ro cao, lợi nhuận cao (high risk, high return) mà tìm các ngách khác có rủi ro thấp hơn. Vì sự lựa chọn này nên Techcombank đã quyết định bán công ty tài chính.
Và chủ trương không chọn mô hình rủi ro cao cũng được Techcombank thực hiện nhất quán trong nhiều năm qua. “5 năm qua, Techcombank là một trong số ít ngân hàng không tham gia hoạt đồng đầu tư chứng khoán, đầu tư vốn và cổ phần. Thậm chí cả đầu tư vào các tài sản bất động sản chúng tôi cũng hạn chế tối đa. Đó là quan điểm nhất quán của Techcombank. Chúng tôi chỉ cho vay hoặc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp chứ không phải đầu tư vào cổ phiếu” - Chủ tịch HĐQT Techcombank khẳng định.