Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam (VINASME) Tô Hoài Nam nhận định, đề xuất này là hợp lý để “khoan sức” cho DN, tuy nhiên ngoài giảm thuế, DN còn cần gia tăng những giải pháp hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ông Tô Hoài Nam |
Theo Dự thảo, nhóm DNNVV được đề xuất giảm thuế suất thuế TNDN xuống còn 15 - 17%, thay vì mức 20% như hiện nay. Đề xuất này có ý nghĩa như thế nào với DNNVV, thưa ông?
- Hiện, DNNVV chiếm tới trên 95% tổng số DN. Do vậy, việc giảm thuế TNDN sẽ “khoan sức” cho một lớp đối tượng rất rộng trong cộng đồng DN, giúp DN có thêm một số tiền bổ sung vào nguồn vốn tự có để đầu tư sản xuất kinh doanh.
Chính sách giảm thuế này nếu được thực thi sẽ đáp ứng và tương thích với Luật Hỗ trợ DNNVV. Thực tế, nhiều năm qua, hoạt động của các DNNVV gặp rất nhiều khó khăn với thuế suất cao, sức cạnh tranh kém, khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng thấp khiến các DN ngày càng sụt giảm về quy mô và không thể tiếp tục duy trì hoạt động. Do vậy, một mức thuế suất hợp lý sẽ giúp DN có thêm nguồn lực tài chính để mở rộng sản xuất kinh doanh, giảm bớt phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng, tiết kiệm được chi phí, từ đó giảm giá thành, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút vốn đầu tư…
Bộ Tài chính cũng đề xuất miễn thuế TNDN trong 2 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với DN thành lập mới từ hộ, cá nhân kinh doanh. Thưa ông, liệu việc này có khuyến khích được hộ cá thể “mạnh dạn lớn” hơn không?
- Việt Nam đang có khoảng 4 triệu hộ kinh doanh cá thể. Tôi cho rằng, nếu thuế giảm, các điều kiện kinh doanh thuận lợi hơn, sẽ có một bộ phận không nhỏ hộ kinh doanh trong khu vực phi chính thức trên sẽ chuyển sang thành DN và số DN tăng thêm này có thể giải quyết thêm hàng triệu việc làm cho người lao động.
Sản xuất linh kiện điện tại Công ty CP công nghiệp Á Châu, cụm Công nghiệp mở rộng Thường Tín. Ảnh: Thanh Hải |
Cũng có ý kiến cho rằng, thuế TNDN chỉ tác động vào DN làm ăn có lời, còn đối với các DN làm ăn cầm chừng, khó khăn thì việc thuế tăng hay giảm cũng không tác động trực tiếp tới hoạt động của họ. Vậy việc giảm thuế theo đề xuất của Bộ Tài chính có còn ý nghĩa?
- Đúng vậy, thuế TNDN chỉ tác động vào DN làm ăn có lãi, còn đối với các DN làm ăn cầm chừng, khó khăn thì giảm thuế TNDN không có nhiều ý nghĩa.
Có thể thấy, chủ trương giảm thuế TNDN là tốt nhưng chưa đủ. Bởi DNNVV hiện không chỉ gặp khó khăn về thuế mà còn gặp rất nhiều khó khăn khác như: Tiếp cận mặt bằng, tín dụng, tiếp cận với công nghệ, với chuỗi thị trường… Vì thế, về lâu dài, các chính sách hỗ trợ của nhà nước cần tập trung vào các biện pháp hỗ trợ nhằm nâng cao chất lượng hoạt động và năng lực cạnh tranh của DN. Cần xây dựng chính sách thuế minh bạch, tạo thuận lợi cho DN. Đồng thời, việc hỗ trợ DNNVV cần được thực hiện xuyên suốt với nhiều biện pháp khác nhau như: Hỗ trợ tín dụng, mặt bằng, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ tiếp cận đổi mới khoa học công nghệ, xúc tiến mở rộng thị trường… để hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN ngày một hiệu quả, chất lượng.
Ông có đề xuất gì để Nghị quyết hoàn thiện và hỗ trợ thiết thực hơn với DNNVV?
- Theo tôi, với đề xuất miễn thuế TNDN trong 2 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với DN thành lập mới từ hộ, cá nhân kinh doanh nên tăng thời gian miễn thuế đối với loại hình này lên mức 3 năm sẽ hợp lý hơn. Bởi lẽ, đây là khu vực rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ.
Theo khảo sát của chúng tôi, lượng thuế hàng năm của khu vực DN này không nhiều nên nếu miễn thuế 3 năm cũng không ảnh hưởng lớn tới nguồn thu ngân sách. Bên cạnh đó, việc miễn thuế 3 năm cũng sẽ khuyến khích các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi sang thành DN, đúng với chủ trương của Chính phủ hiện nay.
Ngoài ra, nên áp dụng mức thuế suất 15% với tất cả các đối tượng DNNVV. Không nên đặt ra quá nhiều mức thuế vì như vậy sẽ khó thực hiện và có khi tạo điện kiện cho DN “biến hóa” để lựa chọn mức thuế cho mình.
Xin cảm ơn ông!
Hà Lâm thực hiện