Mất nghiệp vì nợ nần
Sau hơn 3 năm tái cấu trúc, cuối cùng ông Võ Trường Thành và con trai Võ Diệp Văn Tuấn đã chấp nhận gửi đơn xin rút khỏi tất cả các vị trí lãnh đạo trong Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TTF).
Ba năm dài cùng với sự đồng hành gần đây của cổ đông chiến lược Tân Liên Phát - một công ty con của Vingroup và là DN bơm 1,8 ngàn tỷ đồng sở hữu gần 50% vốn TTF, ông Thành cũng vẫn đành buông xuôi, từ bỏ cơ nghiệp xây dựng trong gần 2 thập kỷ rưỡi qua.
Cha con ông trùm ngành gỗ mất toàn bộ cơ nghiệp có lẽ cũng vì ham hố đầu tư lớn, vượt quá sức của DN trong khi ngành chế biến gỗ Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thị trường vốn, lao động và nguyên liệu trong nước không phải lúc nào cũng thuận.
Nhiều doanh nghiệp gặp khó vì nợ nần. |
Không chỉ phụ thuộc vào xuất khẩu, các DN chế biến gỗ giống như Trường Thành thường phải đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu gỗ, vốn ít và công nghệ hỗ trợ không cao trong khi năng suất lao động công nhân thấp.
TTF là một trong các DN có uy tín trên thương trường, có nhiều đơn hàng lớn nhưng vay nợ rất nhiều. Tổng nợ có lúc gấp tới 4 lần so với vốn chủ sở hữu. Giai đoạn 2011-2013, TTF có lẽ gặp nhiều khó khăn nhất. Gánh nặng nợ ngàn tỷ tại hơn chục ngân hàng cùng với lãi suất thị trường có lúc lên tới 20%/năm đã khiến DN suy yếu, ông Võ Trường Thành và ban lãnh đạo lao đao.
Doanh thu tăng mạnh khi mà thị trường BĐS sôi động với hàng loạt các dự án được triển khai trong vài năm gần đây như: Vinhomes, Vinpearl, VinMec, Đại Quang Minh, Riviera,... cũng không thể giúp TTF tái cấu trúc thành công khi mà vay nợ lớn và nhanh chóng rơi vào tình trạng khốn khó khi gặp bất lợi về dòng tiền.
Trước đó, thị trường đã chứng kiến cú đổ vỡ của đại gia thủy sản Phạm Thị Diệu Hiền. Cho dù đại gia này đã trút nợ về vườn nhưng điều tiếng còn chưa tan. Từ vị trí bà trùm thủy sản giàu có, một thời nổi tiếng nhất nhì miền Tây Nam Bộ, chủ tịch Bianfishco đã phải tránh mặt người nông dân, ngân hàng vì khoản nợ hàng ngàn tỷ đồng.
Những dự án hoành tráng thuộc top đầu khu vực như Nhà máy Sản xuất nước uống Collagen Bình An, khu "massage cá" hiện đại bậc nhất Việt Nam, hay dàn siêu xe trăm tỷ trong đám cưới con trai,... cũng không giúp được đại gia Diệu Hiền khi khối nợ lộ diện và Bianfishco mất thanh khoản.
Số lỗ lũy kế cao ngất cùng với nợ ngân hàng và nợ người bán cá đã buộc Bianfishco phải để cho NH chủ nợ vào sở hữu và tái cơ cấu. Bianfishco cũng đã hồi sinh nhưng không còn là DN thủy sản hàng đầu thuộc sở hữu của bà Diệu Hiền. Nợ nần và đầu tư dàn trải đã nhấn chìm một thương hiệu hàng đầu và một nữ doanh nhân nổi tiếng.
Sóng gió và nợ nần
Gần đây, giới đầu tư chứng kiến sự phục hồi của ông Đặng Văn Thành. Doanh nhân nổi tiếng này đang quay lại thương trường với nhiều kế hoạch lớn, tập trung nhiều vào lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, không ít người vẫn tiếc nuối thay cho cựu trùm ngành ngân hàng này.
Thành Thành Công thuộc sở hữu của gia đình ông Đặng Văn Thành từng được biết đến là một tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực ngân hàng. Ông Thành là cổ đông sáng lập, xây dựng và phát triển Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) trong vòng 2 thập kỷ.
Đại gia sa cơ. |
Từ một tổ chức tín dụng nông thôn, Sacombank trở thành đơn vị hàng đầu trong ngành. Tuy nhiên, tất cả đã trở thành dĩ vãng. Sacombank không còn được xem là NH hàng đầu, không còn nằm trong top những NHTMCP quy mô lớn và hoạt động hiệu quả. Giá cổ phiếu STB giờ chỉ còn dưới 8.000 đồng/cp. Lợi nhuận tụt giảm, nợ xấu tăng cao,... có lẽ là quả đắng sau vụ sáp nhập với Southernbank - 1 ngân hàng vốn trước thuộc về đại gia Trầm Bê.
Ông trùm lĩnh vực BĐS công nghiệp Đặng Thành Tâm cũng suýt mất nghiệp, chỉ hồi phục sau một thời gian dài phải co mình qua cơn hoạn nạn. Nhiều đại gia không qua được, mất nghiệp, thậm chí vướng vòng lao lý như: Phạm Công Danh, Nguyễn Đức Kiên, Hà Văn Thắm.
Gần đây một số DN cũng đang vướng vào khó khăn, nợ nần và chưa tìm được lối thoát như Hoàng Anh Gia Lai của ông Đoàn Nguyên Đức, Thái Hòa,...
Ngọn lửa đam mê kinh doanh đã giúp không ít doanh nhân thành công. Nhiều doanh nhân vươn lên vị trí hàng đầu trong ngành nghề mình kinh doanh. Mặc dù vậy, thuyền to sóng lớn, chỉ cần một sơ xảy, có thể là do dùng đòn bẩy tài chính cao, đầu tư quá lớn, dàn trải hoặc có thể chỉ là không cần trọng trước các đối tác, đối thủ kinh doanh, họ có thể mất nghiệp.
Sự trồi sụt của nền kinh tế cùng với những quả bong bóng, từ BĐS cho tới tài chính chứng khoán ngân hàng, có thể giúp nhiều doanh nhân vươn lên một tầm cao mới. Tuy nhiên, nó cũng tiềm ẩn rủi ro và có thể khiến các đại gia không có cơ hội làm lại.