Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2024 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - mã chứng khoán: STB) cho thấy, lũy kế cả năm 2024, lợi nhuận Sacombank đạt 12.720 tỷ đồng, tăng 32,6% so năm 2023, đạt mức cao nhất lịch sử hoạt động của ngân hàng này và vượt chỉ tiêu được ĐHĐCĐ giao. Động lực tăng trưởng lợi nhuận chủ yếu đến từ hoạt động dịch vụ và chứng khoán đầu tư khi tăng trưởng hai con số lần lượt là 13,8% và 63,5%.
Tính đến cuối năm 2024, tổng tài sản của Sacombank đạt 748.094 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 12%, tiền gửi khách hàng tăng 11%. Tổng nợ xấu tính đến 31/12/2024 của Sacombank là 12.957 tỷ đồng, tăng 17,9% so với đầu năm.
Nợ xấu tại Sacombank tăng 18% trong năm 2024, lên 12.957 tỷ đồng. Riêng nợ có khả năng mất vốn gần 8.870 tỷ đồng, tăng 81% so với đầu năm. Nguồn: Sacombank
Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ tăng nhẹ từ mức 2,28% đầu năm lên 2,4% tính đến cuối năm 2024. Đáng chú ý, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) đã tăng mạnh, từ 4.900 tỷ đồng vào đầu kỳ lên tới 8.869 tỷ đồng, tăng khoảng 81%, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nợ xấu của ngân hàng.
Theo thông tin từ Sacombank, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm tài chính 2024 dự kiến sẽ chính thức diễn ra vào ngày 25/4/2025 tại TP Hồ Chí Minh. Những cổ đông đủ điều kiện tham dự là các cá nhân, tổ chức sở hữu cổ phần của Sacombank có tên trong danh sách chốt quyền vào ngày 10/3/2025, theo dữ liệu do Tổng Công ty Lưu ký và bù trừ Chứng khoán Việt Nam cung cấp. Đây là dịp quan trọng để cổ đông cùng thảo luận và quyết định những vấn đề chiến lược liên quan đến định hướng phát triển của ngân hàng trong giai đoạn tiếp theo.
Một trong những mối quan tâm lớn nhất của cổ đông là việc Sacombank chưa chia cổ tức suốt 9 năm qua. Đây luôn là chủ đề "nóng", thu hút sự chú ý và mong đợi từ các cổ đông, bởi cổ tức không chỉ là quyền lợi mà còn phản ánh hiệu quả hoạt động của ngân hàng.
Lợi nhuận năm 2024 của Sacombank có tăng trưởng ấn tượng, song nhiều tín hiệu cho thấy cổ đông của ngân hàng này có thể tiếp tục phải lỡ hẹn với cổ tức trong năm nay. Ảnh: Internet
Dù báo cáo tài chính luôn cho thấy sự tăng trưởng đều đặn nhưng gần một thập kỷ chưa chia cổ tức khiến Sacombank thường xuyên phải đối diện với áp lực từ cổ đông mỗi kỳ Đại hội.
Liên quan đến vấn đề này, trước đó, trong báo cáo thường niên đầu năm 2024, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm - Tổng Giám đốc Sacombank cho biết, Ngân hàng thấu hiểu rằng việc chưa chia cổ tức kéo dài trong thời gian qua, ít nhiều tạo nên tâm lý không vui đối với cổ đông. Tuy nhiên, thực tế Sacombank là ngân hàng tái cơ cấu, chia cổ tức dù ở hình thức nào cũng phải được Ngân hàng Nhà nước thông qua.
Tại Đại hội cổ đông thường niên 2024, ông Dương Công Minh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank cũng cho hay, Sacombank phải hoàn được vốn điều lệ và nợ xấu giảm xuống dưới 3% thì khi đó mới đủ điều kiện chia cổ tức.
Như vậy với tình hình hiện tại, dù lợi nhuận năm 2024 của Sacombank tăng trưởng ấn tượng song nhiều tín hiệu cho thấy khả năng cổ đông của ngân hàng này có thể phải tiếp tục lỡ hẹn với cổ tức trong năm nay.
Sacombank đã đấu giá thành công khu công nghiệp Phong Phú? Theo báo cáo của Hội đồng quản trị, đối với các khoản nợ thuộc Khu công nghiệp Phong Phú, Sacombank đã bán đấu giá thành công khoản nợ sau 18 phiên đấu giá trong năm 2023, với giá bán là 7.934 tỷ đồng, cao hơn so với nghĩa vụ nợ của khách hàng. Đến nay, Sacombank đã thực thu hồi 1.587 tỷ đồng và dự kiến sẽ thu hồi đầy đủ trong năm 2025. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên vào tháng 4/2023, lãnh đạo Sacombank cho biết, sẽ bán khoản nợ liên quan Khu công nghiệp Phong Phú và không để mất vốn, không mất khoản dự thu đã dự toán. Đây là khoản nợ phát sinh từ việc cho vay của SouthernBank giai đoạn 2011 - 2012, với tài sản đảm bảo là toàn bộ lợi ích phát sinh từ quyền sử dụng đất Dự án Khu công nghiệp Phong Phú (tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh). Đến năm 2015, SouthernBank sáp nhập vào Sacombank thì khoản nợ này trở thành nợ xấu mà Sacombank phải xử lý. |