Trước đó, Sacombank đã có Văn bản số 145/2023/CV-TT-XLN về tiếp tục đấu giá 18 khoản nợ này, với giá khởi điểm là 7.934 tỷ đồng. Được biết, trước phiên đấu giá này, Sacombank cũng đã nhiều lần ký hợp đồng dịch vụ giao cho Công ty đấu giá hợp danh Toàn Cầu Group tổ chức đấu giá nhưng không thành công.
Từ năm 2018, Thanh tra Bộ Tư pháp, UBND huyện Bình Chánh, UBND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản đề nghị Sacombank và các đơn vị có liên quan không đấu giá khoản nợ liên quan đến Dự án Khu công nghiệp Phong Phú
Liên quan đến khoản nợ xấu này, tại Đại hội cổ đông của Sacombank năm 2022, 2023, Chủ tịch HĐQT Sacombank Dương Công Minh đã phải giải thích với cổ đông về các khó khăn trong thực hiện bán đấu giá khoản nợ bảo đảm bằng quyền tài sản là Dự án Khu công nghiệp Phong Phú.
Đây là khoản nợ phát sinh từ việc cho vay của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Nam giai đoạn 2011 – 2012, với tài sản đảm bảo là toàn bộ lợi ích phát sinh từ quyền sử dụng đất Dự án Khu công nghiệp Phong Phú (tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh). Đến năm 2015, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Nam sáp nhập vào Sacombank thì khoản nợ này trở thành nợ xấu mà Sacombank phải xử lý.
|
Khu công nghiệp Phong Phú có diện tích 148 ha, với vốn đầu tư 1.057 tỷ đồng, do Công ty CP Khu công nghiệp Phong Phú làm chủ đầu tư. Pháp nhân này do 3 cổ đông là Công ty CP Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCI), chiếm 70% vốn điều lệ, Công ty CP Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) góp 25% vốn và Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) giữ 5% còn lại.
Tháng 3/2011, Công ty TNHH Bất động sản Hoa Lâm của nữ đại gia Trần Thị Lâm đã xin nhận chuyển nhượng 25% vốn của Sadeco, để trở thành cổ đông lớn tại Khu công nghiệp Phong Phú. Sau đó, Công ty TNHH Bất động sản Hoa Lâm đã đổi tên thành Công ty TNHH Bất động sản Hoa Phát.
Chủ đầu tư Dự án Khu công nghiệp Phong Phú chưa hoàn thành việc bồi thường giải tỏa, tái định cư, chưa được cơ quan có thẩm quyền giao đất.
Từ năm 2018, Thanh tra Bộ Tư pháp, UBND huyện Bình Chánh, UBND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản đề nghị Sacombank và các đơn vị có liên quan không đấu giá khoản nợ liên quan đến Dự án Khu công nghiệp Phong Phú. Lý do được các cơ quan này đưa ra là Chủ đầu tư Dự án Khu công nghiệp Phong Phú chưa hoàn thành việc bồi thường giải tỏa, tái định cư, chưa được cơ quan có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất nên không đủ điều kiện để làm tài sản thế chấp 18 khoản nợ theo quy định pháp luật.
Ngày 21/8/2019, Thanh tra TP có Kết luận thanh tra số 23/KL-TTTP-P.5 về việc chấp hành quy định pháp luật trong việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Phong Phú. Kết luận thanh tra cho thấy, Sadeco là công ty cổ phần có vốn nhà nước chi phối 74,8%, nhưng thẩm định giá vốn, không tổ chức đấu giá mà chỉ định bán 25% vốn cổ phần cho Công ty TNHH bất động sản Hoa Lâm, làm thất thoát vốn nhà nước hơn 19,6 tỉ đồng. Một sai phạm nghiêm trọng khác cũng đã được Thanh tra TP Hồ Chí Minh xác định là chủ đầu tư Dự án khu công nghiệp Phong Phú chưa thực hiện xong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, chưa ký hợp đồng thuê đất, chưa được cấp giấy chứng nhận, nhưng đã tự định đoạt dùng đất đem thế chấp vay ngân hàng để phục vụ cho mục đích riêng, không thể hiện trên sổ sách kế toán và báo cáo tài chính của đơn vị, là vi phạm pháp luật. Khu đất của Dự án khu Công nghiệp Phong Phú chủ yếu là đất nông nghiệp, nhưng Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Nam thẩm định giá để làm cơ sở cấp tín dụng, với mức giá thẩm định trung bình lại cao hơn 25 lần so với giá bồi thường cho người dân là có dấu hiệu vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. |