Theo số liệu từ phương án tính giá trần và giá sàn được Vietnam Airlines gửi tới Bộ Giao thông Vận tải, hãng hàng không này đã thua lỗ trên nhiều chặng bay.
70% các chặng bay ngắn đang lỗ
Tại các chặng bay nội địa dưới 500km sử dụng máy bay A321, thống kê cho thấy Vietnam Airlines lỗ 18 chuyến bay trên tổng số 26 chuyến.
Trong đó, 2 chuyến bay Đà Nẵng đi Vinh và Vinh đi Đà Nẵng đang lỗ nặng nhất, 1 chiều lỗ 93 triệu đồng và 1 chiều lỗ gần 86 triệu đồng. Theo Vietnam Airlines, doanh thu mỗi chuyến tại chặng này chưa tới 40 triệu đồng do lượng hành khách quá thấp, trong khi chi phí mỗi chiều hơn 120 triệu đồng, riêng chi phí nhiên liệu bay đã hơn 50 triệu đồng/chuyến, chi phí thiết bị bay 31 triệu đồng.
Bên cạnh đó, các chuyến bay đi và đến Pleiku cũng đang lỗ nặng, cụ thể là Đà Nẵng - Pleiku (227km) và Sài Gòn - Pleiku (383km). Đáng chú ý, chặng bay Sài Gòn - Pleiku có tỷ lệ khách rất cao, chiều đi có 150/168 khách và chiều về 148/168 khách, tương ứng tỷ lệ lấp đầy gần 90% nhưng Vietnam Airlines vẫn lỗ nặng.
Bên cạnh các chuyến bay thua lỗ, Vietnam Airlines vẫn có một vài chặng bay đem lại lợi nhuận. Trong số 26 chuyến bay, hiện có 8 chuyến có lãi, lớn nhất là Đà Nẵng - Nha Trang (461km) và Hà Nội - Vinh (261km).
Đơn vị: Đồng |
Với tình hình kinh doanh như trên, Vietnam Airlines đề xuất giá sàn cho các chặng bay dưới 500km là 670 nghìn đồng và giá trần là 1,8 triệu đồng.
Tăng giá trần và áp dụng giá sàn giúp doanh thu tăng 2.500 tỷ đồng chỉ sau 1 năm
Tại Vietnam Airlines, hãng hiện đang áp dụng 13 dải giá vé khác nhau cho mỗi đường bay nội địa bao gồm 2 dải giá cho hạng thương gia và 11 dải giá cho hạng phổ thông với những điều kiện áp dụng khác nhau. Ví dụ như chặng Hà Nội - TPHCM có giá phổ thông cao nhất là 3,15 triệu đồng, giá thấp nhất hạng E là 1,15 triệu đồng, hạng P là 800.000 đồng.
Việc duy trì các dải giá rộng kết hợp với việc mở bán linh hoạt các mức giá nhằm đạt mục tiêu tối ưu hóa doanh thu và doanh thu trung bình/khách của Vietnam Airlines trên mạng nội địa vẫn duy trì cao hơn chi phí bình quân.
Tuy nhiên, những năm gần đây, khi vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ Vietjet Air, doanh thu bình quân/khách của Vietnam Airlines đang có xu hướng giảm rõ rệt. Từ mức thu 1,63 triệu đồng/khách năm 2013, đến năm 2016 mức thu bình quân chỉ còn 1,3 triệu đồng, giảm 20% sau 3 năm.
Chính vì vậy, Vietnam Airlines cho rằng, cần thiết phải áp dụng mức giá sàn nhằm tăng hiệu quả đường bay. Nếu áp dụng giá sàn, Vietnam Airlines dự kiến trước mắt sẽ tăng giá vé 5% so với hiện tại và doanh thu sẽ tăng 2.500 tỷ đồng trong 1 năm kể từ khi thực hiện.
Jetstar Pacific, hãng hàng không do Vietnam Airlines sở hữu gần 70%, cũng ủng hộ với việc áp dụng giá sàn cho vé máy bay hạng phổ thông. Trong khi đó, Vietjet Air, cũng là hãng hàng không giá rẻ lại hoàn toàn phản đối giá sàn. Vietjet Air cho rằng, áp dụng giá sàn là đi ngược lại thông lệ quốc tế và không phù hợp với Luật Cạnh tranh.
Chiến lược giá rẻ đã giúp Vietjet nhanh chóng thu hút sự chú ý của khách hàng, đặc biệt là các dịp khuyến mãi, thậm chí siêu khuyến mãi, điều mà trước đây người tiêu dùng chưa từng được trải nghiệm ở Việt Nam.
Với chiến lược giá rẻ của mình, Vietjet Air từ con số 0 tròn trĩnh chỉ sau hơn 5 năm đã vươn lên nắm 41,5% thị phần bay nội địa, cùng khoảng thời gian đó, thị phần của Vietnam Airlines giảm mạnh từ gần 75% xuống còn 42,5%.
Các tính toán của Vietnam Airlines được sử dụng với giả định chi phí xăng dầu Jet A1 ở mức 65USD/thùng, thuế nhập khẩu xăng dầu 7% và thuế môi trường 3.000 đồng/lít. Tỷ giá USD/VND tham chiếu là 23.100 đồng. |