Với kế hoạch này, Tổng công ty vẫn đảm bảo kế hoạch phát triển đội bay và có được máy bay để khai thác theo đúng cấu hình lựa chọn ban đầu giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn vay, đặc biệt là nguồn vốn vay bảo lãnh Chính phủ. |
Ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông dự họp là 15/2, nhằm báo cáo kết quả lựa chọn nhà đầu tư chiến lược của Vietnam Airlines, sửa đổi bổ sung điều lệ, bầu bổ sung thành viên hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2015-2020 và chủ trương thực hiện bán và thuê lại 4 máy bay theo hợp đồng mua có lịch nhận năm 2017.
Theo đó, quá trình tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược được Vietnam Airlines triển khai từ 30/9/2014 nhưng đến thời điểm công ty chuyển sang công ty cổ phần vào ngày 1/4/2015, Tổng công ty mới hoàn thành được một số bước trong quy trình tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược do tư vấn Morgan Stanley và Citigroup xây dựng.
Tài liệu của Vietnam Airlines ghi rõ, tiếp thu ý kiến của đại hội đồng cổ đông, Hội đồng Quản trị tổng công ty này đã chỉ đạo tổng công ty tiếp tục triển khai phương án tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Nhưng, đến tận đầu tháng 7/2016, Vietnam Airlines mới hoàn thành xong các bước còn lại của quy trình tìm kiếm người đồng hành gồm: Đánh giá bản chào, đàm phán và ký kết các giao dịch liên quan, thực hiện các thủ tục liên quan đến đăng ký chào bán riêng lẻ theo Luật Chứng khoán, và hoàn tất các điều kiện tiên quyết để nhà đầu tư chiến lược chuyển tiền mua cổ phần.
Như vậy, cuối cùng Vietnam Airlines đã chọn Tập đoàn hàng không Nhật Bản-ANA Holdings Inc. là nhà đầu tư chiến lược với số lượng cổ phần chào bán là 107,66 triệu cổ phần, tương đương 8,77% với mức giá là 21.000 đồng/cổ phần. Tổng cộng, ANA đã chi hơn 2.261 tỷ đồng đầu tư vào Vietnam Airlines.
Mức giá bán cho ANA, theo Vietnam Airlines, là do hai bên đàm phán, được quyết định dựa trên các yếu tố: Kết quả định giá của ANA nằm trong dải giá theo kết quả định giá của tư vấn Morgan Stanley và Citigroup. Thời gian hạn chế chuyển nhượng toàn bộ cổ phần nói trên là 5 năm.
Đồng thời, Đại hội đồng cổ đông giao cho Hội đồng Quản trị Tổng công ty triển khai phương án thực hiện bán và thuê lại 1 máy bay B789-9 và 3 máy bay A350 theo Hợp đồng mua máy bay có lịch nhận năm 2017 của Tổng công ty.
Dự kiến, Vietnam Airlines trình phương án bán và thuê lại 4 máy bay này sẽ giúp Vietnam Airlines giảm nhu cầu đầu tư và vay nợ mua máy bay khoảng 544 triệu USD so với kế hoạch ban đầu, qua đó giảm hệ số nợ vay trên vốn chủ sở hữu từ 4 lần tại thời điểm 31/12/2016 xuống còn khoảng 3,2 lần tại thời điểm 31/12/2017 và tiến tới giảm xuống dưới 3 lần vào cuối năm 2018.