Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã hứa là sẽ lập tổ công tác đôn đốc kiểm tra và sẽ trả lời trực tiếp các doanh nghiệp với danh nghĩa Chính phủ trả lời doanh nghiệp.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khuyến khích doanh nghiệp lên tiếng, gửi thông tin, gửi thắc mắc, chất vấn, trao đổi. Đây là cách để Chính phủ có thông tin và có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Chưa bao giờ, con đường đi từ lời nói đến thực hiện lại có điều kiện để rút ngắn như vậy. Vậy các doanh nghiệp còn chờ đợi gì mà không lên tiếng!
Giao diện cổng tiếp nhận thông tin của website Chính phủ. |
Rõ ràng, với động thái trên, Chính phủ đang rất muốn lắng nghe các ý kiến, kiến nghị từ cộng đồng doanh nghiệp. Chính phủ đang rốt ráo tìm các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy kinh doanh thuận lợi, để đảm bảo được tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế đang trong giai đoạn tái cơ cấu. Chính phủ đang thúc đẩy, chính xác hơn là tạo sức ép lên toàn bộ chính quyền trong việc thực thi các cam kết của Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp.
Nhưng chắc mọi việc sẽ chưa thể thuận lợi ngay, khi mà các kiến nghị gỡ bỏ điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp kinh doanh gas quy mô nhỏ và vừa ùn ùn gửi tới Bộ Công thương từ vài tháng nay, nhưng trong cuộc hội thảo mới nhất có liên quan tới nội dung này vào cuối tháng 9 vừa qua, câu trả lời từ Bộ Công thương vẫn là đang xem xét.
Các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu cũng đã tụ hội với nhau cả năm nay để kiến nghị các bộ, ngành xem xét, điều chỉnh các thủ tục kiểm tra chuyên ngành sao cho vừa đảm bảo mục tiêu quản lý nhà nước, nhưng đừng đổ chi phí tốn kém lên đầu doanh nghiệp, nhưng cũng chưa nhận được nhiều kết quả. Mới có 3 bộ thực hiện rà soát trong số 10 bộ cần phải làm việc này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ các doanh nghiệp tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp vừa tổ chức tại TP.HCM vào 29/4 |
Trong báo cáo tháng 9 gửi Chính phủ về thực hiện Nghị quyết 19-2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn ghi: “còn khoảng cách khá xa giữa mục tiêu của Nghị quyết và kết quả thực thi Nghị quyết”.
Cũng phải nhắc thêm, trong Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp doanh nghiệp hồi tháng 4/2016, có khoảng 200 câu hỏi đã được cộng đồng doanh nghiệp gửi tới Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước. Nhiều trong số đó đã và đang được giải quyết, nhưng cũng không thấy các cơ quan công bố kết quả, cũng như tiến độ việc trả lời các kiến nghị này như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Có lẽ không thừa khi nhắc lại những điều mà nhiều chuyên gia kinh tế đã nói, đó là trong thời điểm này, đích đến của công cuộc cải cách, của nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam chính là hành vi của từng công chức, từng cơ quan quản lý nhà nước. Nếu từng công chức chưa thể hiện ý thức, trách nhiệm vì người dân, doanh nghiệp, thì ngọn lửa cải cách mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang giương cao sẽ không đến được, không chạm vào mong muốn và trách nhiệm cống hiến vì sự phát triển của đất nước, của nền kinh tế của người dân, doanh nghiệp.
Nhưng Chính phủ có lòng thì hẳn doanh nghiệp không phụ. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang lắng nghe, đang hành động liên tục để đảm bảo tính nhất quán, đồng tâm, đồng tốc trong nỗ lực xây dựng Chính phủ liêm chính, Chính phủ vì sự phát triển của người dân và doanh nghiệp trong từng cấp thực thi. Lúc này, lên tiếng mạnh mẽ hơn, thẳng thắn hơn là trách nhiệm, là nghĩa vụ của cộng đồng doanh nghiệp!