Tại phiên giải trình ở kỳ họp thứ 2 - khóa 12 HĐND tỉnh (nhiệm kỳ 2016-2021) sáng 22/7, ông Hồ Quốc Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định xác nhận, Ban thường vụ Tỉnh uỷ đồng ý chấm dứt thu hút Tổ hợp dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội.
Nguyên nhân chính do dự án này đến nay không đảm bảo tính khả thi và thời gian chờ đợi đối tác đầu tư quá dài và không đạt kết quả, nên đã ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư của các đối tác khác vào đầu tư tại khu kinh tế Nhơn Hội.
Thứ hai, nếu dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội đầu tư sẽ ảnh hưởng đến môi trường, nhất là đối với TP.Quy Nhơn vì đây là một địa điểm nhạy cảm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.
Vì vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định không đi theo hướng đầu tư dự án lọc hóa dầu mà sẽ chuyển hướng vào đầu tư du lịch. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng quyết định không cho các nhà đầu tư cấp 1 thu hút các dự án lọc hóa dầu vào Khu kinh tế Nhơn Hội. Đồng thời, đề nghị Chính phủ đưa ra khỏi quy hoạch khu kinh tế Nhơn Hội là các dự án lọc hóa dầu.
Chấm dứt dự án lọc hóa dầu vào Khu kinh tế Nhơn Hội. (Ảnh: Tiepthithegioi.vn) |
Dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội (tỉnh Bình Định), khi mới công bố, phía nhà đầu tư từng cho biết dự kiến sẽ đầu tư tới 28,7 tỷ USD.
Tuy nhiên, nhiều lần “đối thoại” nhà đầu tư giảm số vốn xuống còn 20 tỷ USD. Với tổng số này, dự án từng được kỳ vọng sẽ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định cũng như khu vực miền Trung và cả nước. Nếu dự án đi vào hoạt động, sẽ đóng góp từ 3-4% GDP cả nước và đóng góp khoảng 30-40% GDP của Bình Định. Dự án góp phần giải quyết việc cho khoảng 30.000 lao động trực tiếp và hàng trăm ngàn lao động gián tiếp.
Thời điểm dự án này được công bố, nhiều ý kiến quan ngại về tính khả thi của dự án, trong đó không ít người hoài nghi về tiềm lực tài chính cũng như lo ngại về sự “bội thực” của các dự án lọc dầu hàng chục tỷ USD tại Việt Nam và các tác động lớn đến môi trường.
Tuy nhiên, về phía Việt Nam đã tạo khá nhiều điều kiện nhằm “trải thảm đỏ” cho nhà đầu tư này. Ngoài những chính sách ưu đãi đầu tư, dự án còn được tạo thuận lợi về điều kiện cơ sở hạ tầng, giải phóng mặt bằng. Để phục vụ cho dự án cũng như đáp ứng nhu cầu phát triển hàng không, Thủ tướng cũng đã phê duyệt việc nâng cấp sân bay Phù Cát (huyện Phù Cát).
Theo kế hoạch ban đầu, đến giữa năm 2015, tỉnh Bình Định cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án này, nhưng đến nay đã hơn 1 năm vẫn chưa thể thực hiện.
Trước đó, trong tháng 2/2016, chủ đầu tư đề xuất đánh giá lại toàn bộ dự án. Theo đó, PTT cùng với đối tác Saudi Aramco (Saudi Arabia) có thể sẽ thay đổi quy mô, giảm công suất và lùi tiến độ đầu tư so với kế hoạch ban đầu. Vốn đầu tư của dự án nhiều khả năng sẽ được điều chỉnh giảm dưới mức 22 tỷ USD, công suất chế biến dự kiến sẽ giảm xuống mức 400.000 thùng dầu mỗi ngày.
Tháng trước, lãnh đạo tỉnh từng ra "tối hậu thư" cho PTT về tiến độ dự án tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội (còn gọi là tổ hợp lọc hóa dầu Victory), đến cuối tháng 6 nếu không có hướng chuyển biến tích cực thì buộc rút lui.
"Siêu dự án lọc hóa dầu" Nhơn Hội được Thủ tướng phê duyệt bổ sung vào quy hoạch chung phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025 ngày 19/12/2014. Dự án thuộc danh mục đặc biệt khuyến khích đầu tư. Trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án trình Chính phủ, PTT từng thông tin, tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội sẽ được xây trên diện tích khoảng 1.400 ha tại Khu kinh tế Nhơn Hội. Dự án có công suất 400.000 thùng dầu thô mỗi ngày (tương đương 20 triệu tấn một năm). Sau năm 2021 sẽ xem xét, nâng công suất lên 30 triệu tấn mỗi năm. Trong thời gian tới, tỉnh Bình Định sẽ tiếp tục xúc tiến đầu tư và tạo điều kiện cho các chủ đầu tư tại các nước Nhật Bản, châu Âu vào đầu tư tại tỉnh. Hiện Bình Định đang tập trung thu hút đầu tư Khu phức hợp công nghiệp - đô thị- thương mại và dịch vụ Becamex ở xã Canh Vinh, huyện Vân Canh, với tổng diện tích 2.400 ha. Ngoài ra, tỉnh còn nỗ lực mời gọi nhà máy chế biến thuỷ sản đông lạnh Yo Yo Nhật Bản với công suất 2.000 tấn mỗi năm; thu hút phát triển các cơ sở, nhà máy chế biến thuỷ sản đông lạnh xuất khẩu gắn với các cảng cá Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát với tổng công suất 3.500 tấn mỗi năm... Cùng với đó, tỉnh cũng thu hút đầu tư vào các dự án khác như: nhà máy chế biến thuỷ sản đông lạnh Yo Yo Nhật Bản với công suất 2.000 tấn/năm và thu hút phát triển các cơ sở, nhà máy chế biến thuỷ sản đông lạnh xuất khẩu gắn với các cảng cá Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát với tổng công suất 3.500 tấn/năm và tập trung đầu tư vào cụm công nghiệp thuỷ sản Vĩnh Lợi và chế biến thuỷ sản Cát Khánh… |