|
Doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm tại Triển lãm hàng công nghiệp 4.0 diễn ra ở Hà Nội. Ảnh: Công Hùng |
Hỗ trợ tối đa, tháo gỡ khó khăn cho DN
Hà Nội đặt mục tiêu số DN thành lập mới từ 1/8/2018 đến 31/12/2020 là 154.000 DN, năm 2018 TP phấn đấu chuyển đổi 5% tổng số hộ kinh doanh hiện có (tương đương 8.356 DN). Năm 2019, phấn đấu chuyển đổi 15% tổng số hộ kinh doanh tương đương 25.068 DN và 2020 chuyển đổi 20% tương đương 41.781 DN.
Đội ngũ DN nhỏ và vừa (DNNVV) của TP ngày càng khẳng định vai trò nòng cốt trong xây dựng và phát triển Thủ đô. Theo ước tính, DN dân doanh đóng góp tích cực cho ngân sách của TP (tăng 26,7% so với 2016). Cộng đồng DN đã tạo việc làm cho 2,5 triệu lao động. Mỗi năm tạo việc làm cho trên 140.000 lao động. Tuy vậy, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều khó khăn trong lĩnh vực phát triển DNNVV, DN khởi nghiệp. Số DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trên địa bàn Hà Nội năm 2017 là 4.409 DN, tăng 12% so với năm 2016, số DN giải thể cũng tăng với 1.129 DN.
UBND TP Hà Nội giao cụ thể các cơ quan ban, ngành trên cơ sở chức năng nhiệm vụ, tập trung tích cực triển khai có hiệu quả nội dung Đề án hỗ trợ. Hàng năm Hà Nội sẽ thực hiện khảo sát đánh giá nhu cầu, mức độ hài lòng của người dân, DN đối với sự phục vụ của các cơ quan Nhà nước của TP. |
Thông qua việc triển khai thực hiện Đề án, Hà Nội hướng đến việc tạo cơ chế, chính sách thuận lợi nhằm khuyến khích, thúc đẩy các tổ chức, cá nhân thành lập DN và hoạt động theo quy định của pháp luật. Từ đó, đẩy mạnh phát triển khu vực kinh tế tư nhân, góp phần đưa kinh tế của Thủ đô phát triển nhanh và bền vững.
Trước đó, Hà Nội đã hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí, công tác kế toán cho DN khởi sự. Tận dụng tối đa công nghệ số, Hà Nội cũng yêu cầu hỗ trợ xây dựng website, truyền thông trực tuyến cho DN. Tại Đề án lần này, TP tiếp tục đưa ra những giải pháp cụ thể như đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) về đăng ký DN, tăng cường đăng ký qua mạng điện tử mức độ 4, phấn đấu giải quyết 100% các TTHC liên quan đến thành lập DN được giải quyết đúng hạn hoặc sớm hơn so với quy định. Đồng thời hỗ trợ tiếp cận tín dụng và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cho DN; hỗ trợ mặt bằng sản xuất cho các DNNVV; hỗ trợ xúc tiến mở rộng thị trường và nghiên cứu chuyển giao công nghệ.
Quyết tâm đi đầu phong trào khởi nghiệp
Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV TP Hà Nội Mạc Quốc Anh cho biết: Theo đánh giá của DN, các sở, ban, ngành của TP đã có nhiều chuyển biến trong cải cách TTHC, luôn tạo điều kiện cho DN. Với các giải pháp cụ thể để phát triển đồng bộ từ khâu thành lập đến hoạt động kinh doanh, tức khắc DN sẽ có môi trường để phát triển tốt. Bên cạnh đó, TP định hướng vai trò dẫn dắt của DN lớn đối với DNNVV, DN mới chuyển đổi từ hộ kinh doanh. Việc dẫn dắt diễn ra không mang tính hành chính mà trên cơ sở DN lớn cần DNNVV phụ trợ nên liên kết trong hướng dẫn công nghệ, huấn luyện tay nghề.
Việc chuyển đổi thành DN giúp quy mô sản xuất, kinh doanh lớn hơn, bài bản hơn và là cơ hội tốt trong nền kinh tế thị trường hiện nay. Đánh giá của Cục Thuế Hà Nội, TP có 171.487 hộ kinh doanh đang hoạt động và có nộp thuế, có thể phát triển lên DN. Do vậy, nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội kỳ vọng vào việc chuyển đổi hộ kinh doanh lên DN là giải pháp nhanh nhất để phát triển số lượng DN.
Theo thông tin từ Sở KH&ĐT, Hà Nội đang phấn đấu phát triển thành trung tâm khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo - Thành phố thông minh. Theo đó, đã có rất nhiều vườn ươm khởi nghiệp ra đời hỗ trợ DN mới thành lập. Đặc biệt, kể từ khi chính thức khai trương vào ngày 10/10/2017, đến nay, Cổng thông tin điện tử khởi nghiệp TP (startupcity.vn) đã có gần 1.000 startup tham gia. Đây là tiền đề để xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của TP Hà Nội, với quyết tâm xây dựng Hà Nội trở thành TP đi đầu trong khởi nghiệp sáng tạo.
Với mục tiêu tạo một môi trường tốt cho DN hoạt động, khuyến khích các mô hình khởi nghiệp sáng tạo, mặc dù vẫn còn rất nhiều việc phải làm phía trước, nhưng rõ ràng Hà Nội đang có sự khởi động đầy hy vọng cho tương lai trong việc phát triển DN.