Tại diễn đàn, ông Từ Minh Hiệu – Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học & Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, tính từ năm 2012 đến nay, lượng vốn đầu tư mạo hiểm vào khởi nghiệp Việt Nam đứng thứ 4 trong khu vực, sau Singapore, Indonesia và Malaysia.
|
TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia |
Năm 2017, Việt Nam tiếp nhận 92 thương vụ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo (KNST) với tổng số vốn hơn 291 triệu USD tăng gần gấp đôi về mặt số lượng thương vụ và gần 50% về mặt tổng số vốn đầu tư so với năm 2016.
Mặc dù có sự tăng trưởng tương đối mạnh mẽ nhưng nguồn vốn đầu tư cho doanh nghiệp KNST tại Việt Nam vẫn tương đối khiêm tốn so với khu vực và trên thế giới. Theo Tech in Asia, năm 2017, khu vực Đông Nam Á đã thu hút 7,86 tỷ USD đầu tư vào khởi nghiệp, như vậy số vốn đầu tư Việt Nam thu hút được chiếm tỷ phần rất nhỏ, chưa đến 5%.
|
Các đơn vị ký kết hợp tác hỗ trợ khởi nghiệp |
Theo TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia, chúng ta cần "bầu sữa" - nguồn vốn để xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp.
Chủ tịch VCCI đánh giá, vốn cho khởi nghiệp là vô cùng quan trọng. Hiện nước ta có khoảng 50 quỹ đầu tư cho khởi nghiệp nhưng còn tản mạn và quy mô nhỏ. Hệ sinh thái mà đặc biệt là hệ sinh thái tạo ra nguồn vốn cho khởi nghiệp còn yếu. Bởi thực tế vốn cho khởi nghiệp có tính đặc thù.
"Chúng ta nói nhiều đến quỹ đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm nhưng phải đào sâu nghiên cứu về các quỹ này. Đồng thời tạo cơ chế khuyến khích các quỹ này, để các nhà đầu tư tập trung vào sáng tạo ý tưởng cho khởi nghiệp, còn nguồn vốn khởi nghiệp luôn sẵn sàng. Nguồn vốn cho khởi nghiệp chính là "bầu sữa” cho khởi nghiệp thành công. Tuy nhiên cần cách thức hợp lý hơn cho bầu sữa này phát triển” - TS Vũ Tiến Lộc nói.
|
Các đơn vị ký kết hợp tác hỗ trợ khởi nghiệp |
Cũng theo ông Lộc, để thực hiện được hệ sinh thái khởi nghiệp, DN lớn đi trước nên cấp vốn cho nhà đầu tư khởi nghiệp. "Họ có nguồn vốn lớn và coi trọng trách nhiệm xã hội của mình thì hỗ trợ khởi nghiệp là một trong những mục tiêu phát triển cộng đồng lớn nhất. Cần đưa vào chương trình hành động, chi tiêu của các doanh nghiệp Tập đoàn hàng đầu Việt Nam. Hãy dành ra những phần vốn đầu tư cho khởi nghiệp”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Cũng tại Diễn đàn, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp - Đơn vị Thường trực tổ chức chương trình Khởi nghiệp quốc gia, Viện nghiên cứu phát triển doanh nghiệp và một số DN đã ký kết hợp tác hỗ trợ khởi nghiệp 2018-2020.