|
Chị Dương Thị Thu Huệ - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao (thứ 2 từ phải sang) đang giới thiệu sản phẩm nấm kim châm. Ảnh: Ánh Ngọc |
Nấm kim châm "made in Viet Nam"
Bén duyên với cây nấm từ năm 2002 với một xưởng sản xuất nhỏ tại xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai, chị Huệ không ít lần thất bại do thiếu vốn, kỹ thuật và phụ thuộc thời tiết. Với ý chí quyết tâm "bại không nản", năm 2008, chị Huệ đã mạnh dạn thuê 3ha đất nông nghiệp của xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức để mở xưởng trồng nấm công nghiệp. Nhận thấy nhu cầu sử dụng sản phẩm nấm trên thị trường ngày một tăng, năm 2011, chị Huệ thành lập Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao.
Trên thị trường hiện nay, phần lớn sản phẩm NKC lại có nguồn gốc từ Trung Quốc. Chính điều này đã thôi thúc chị Huệ chuyển hướng sang sản xuất NKC theo hướng công nghệ cao (CNC). Năm 2016, chị Huệ liên kết với một số DN Nhật Bản nhập dây chuyền, tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất NKC. Để vận hành dây chuyền hiệu quả, chị Huệ đã cử kỹ sư đi đào tạo tại Nhật Bản, phối hợp với các chuyên gia, nhà khoa học thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Hiroshima (Nhật Bản)... Được sự hỗ trợ của Bộ KH&CN, UBND TP Hà Nội và một số sở, ngành, tháng 4/2017, nhà máy sản xuất NCK công nghệ Nhật Bản đầu tiên tại Hà Nội có vốn đầu tư ban đầu lên tới 3 triệu USD (gần 70 tỷ đồng) đã chính thức đi vào hoạt động.
Hiện nay, trung bình mỗi ngày nhà máy sản xuất và cung ứng cho thị trường 1,5 tấn NKC. Chia sẻ về quy trình sản xuất NKC sạch, chị Huệ cho biết, nguyên liệu để làm NKC gồm 35% là chất thô (mùn cưa) và 65% là cám dinh dưỡng các loại. Để có được sản phẩm NKC đạt chất lượng cao, các yếu tố về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng tại các phòng nuôi cấy, ươm nấm đều được kiểm soát nghiêm ngặt. Các công nhân tham gia sản xuất phải qua các bước khử trùng và mặc quần áo bảo hộ. Nhằm đảm bảo vệ sinh ATTP, chị Huệ còn đầu tư mua 2 máy đóng gói hút chân không trị giá 1 tỷ đồng/máy với công suất 300 – 400kg/giờ.
Với công suất như hiện tại, nhà máy đang xuất bán NKC với giá 65.000 đồng/kg, rẻ hơn so với giá bán của các xưởng sản xuất NKC khác trên cả nước. Sản phẩm NKC sạch, đảm bảo ATTP nên chị Huệ không lo về đầu ra. Chỉ tính riêng dịp Tết Nguyên đán 2018, nhà máy đã xuất bán ra thị trường 30 tấn NKC. Hiện, mức doanh thu của nhà máy luôn ổn định trong khoảng 1,8 – 2 tỷ đồng/tháng. Bên cạnh đó, nhà máy còn tạo việc làm thường xuyên cho 23 công nhân với mức lương trung bình từ 4 – 10 triệu đồng/người/tháng.
Hỗ trợ nhận diện sản phẩm
Chị Huệ tâm sự, mặc dù toàn bộ sản phẩm NKC do nhà máy sản xuất được bày bán tại siêu thị, song điều đáng lo là phần lớn người tiêu dùng vẫn chưa nhận diện đúng về sản phẩm. Không ít người vẫn cho rằng đây là nấm nhập từ Trung Quốc và được đóng gói tại Việt Nam, thậm chí nhiều bà nội trợ vẫn quan niệm Việt Nam không sản xuất được NKC. Để xóa bỏ quan niệm này cũng như để người tiêu dùng biết đến và sử dụng nhiều hơn sản phẩm NKC Kinoko Thanh Cao, chị Huệ mong muốn tiếp tục được UBND TP Hà Nội, các sở, ngành tăng cường truyền thông, quảng bá sản phẩm NKC sạch 100% do Việt Nam sản xuất.
Bên cạnh nỗi lo về nhận diện sản phẩm, chị Huệ còn trăn trở làm sao để sản phẩm NKC luôn đảm bảo chất lượng khi đến tay người tiêu dùng. Vì vậy, chị đang nghiên cứu việc đóng gói sản phẩm NCK bằng thùng xốp thay vì dùng thùng carton như hiện tại. Để làm được điều này, chị Huệ cũng bày tỏ mong muốn được TP hỗ trợ cơ chế tài chính trong khâu đóng gói, vận chuyển, lưu thông sản phẩm trên thị trường.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho rằng, thành công của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao đã mở ra hướng đi mới cho ngành nông nghiệp trồng nấm CNC của Hà Nội. Trước mắt, để hỗ trợ DN về nhận diện sản phẩm NKC sạch có nguồn gốc, xuất xứ Việt Nam, Trung tâm sẽ tiếp tục tham mưu cho Sở NN&PTNT Hà Nội xây dựng cơ chế phối hợp với các địa phương tổ chức cho cán bộ, hội viên tham quan, học tập mô hình sản xuất nấm CNC. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan báo, đài truyền thông rộng và sâu hơn nữa về sản phẩm NKC sạch của Thủ đô.
Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao là DN nông nghiệp CNC đầu tiên của Hà Nội. Do đó, trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục hỗ trợ mở rộng sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm và tiến tới xuất khẩu. Đây cũng là mô hình tiêu biểu, thành công nhờ có sự liên kết "4 nhà" mà TP đang tiếp tục khuyến khích các địa phương nhân rộng. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại |