Cụ thể, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (mã CK: HAG) vừa ký ban hành Nghị quyết thống nhất chuyển nhượng toàn bộ 248 triệu cổ phần đang sở hữu tại Công ty CP Thủy điện Hoàng Anh Gia Lai.
Một nhà máy thủy điện do Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai xây dựng. |
Tổng giám đốc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai Võ Trường Sơn được ủy quyền ký kết, thực hiệp hợp đồng chuyển nhượng 248,5 triệu cổ phần tại công ty Thủy điện Hoàng Anh Gia Lai.
Mục đích của giao dịch này là để đẩy mạnh công tác tái cấu trúc tập đoàn theo hướng mạnh dạn thoái vốn khỏi những ngành, lĩnh vực không hiệu quả và tăng cường tập trung vào nông nghiệp.
Với việc bán đi công ty điều phối trong lĩnh vực thủy điện, tập đoàn của bầu Đức sẽ rút lui hoàn toàn khỏi mảng này. Đây là công ty mẹ của 2 doanh nghiệp Điện Hoàng Anh Attapeu và Điện Nậm Kông 3 ở Lào đang được thanh lý.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2019 cho thấy tình hình kinh doanh kém khả quan của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai.
Theo đó, trong 9 tháng đầu năm 2019, Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận doanh thu thuần 1.479 tỷ đồng, giảm 66% so với cùng kỳ năm 2018, trong khi kế hoạch năm 2019 là lãi 88 tỷ đồng; lỗ sau thuế tới 1.265 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 355 tỷ đồng.
Tại thời điểm ngày 30/9/2019, tổng tài sản của Hoàng Anh Gia Lai ở mức 41.894 tỷ đồng, giảm 13% so với đầu năm. Trong đó, tài sản dài hạn chiếm 80% cơ cấu, chủ yếu là tài sản dở dang dài hạn hơn 13.651 tỷ đồng, giảm 21% so với đầu 2019 gồm chi phí phát triển vườn cây ăn trái, cây cao su, nhà máy thủy điện…
Cũng tại thời điểm cuối tháng 9/2019, Hoàng Anh Gia Lai đang gánh khoản nợ phải trả là 24.776 tỷ đồng, giảm khoảng 6.500 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm 11.000 tỷ đồng (nợ thuế và các khoản phải nộp cho nhà nước tới 44,6 tỷ đồng), nợ dài hạn là 13.775 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của công ty là 17.117 tỷ đồng.