Ngày 28/8, tại cuộc họp giao ban báo chí của Ban Tuyên giáo Trung ương phía Nam, Giám đốc Sở TN&MT TP Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng chia sẻ, việc xây dựng bảng giá đất điều chỉnh tại TP Hồ Chí Minh có 3 nguyên nhân chính.
Giám đốc Sở TN&MT TP Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng đang trả lời báo chí tại cuộc họp Ban Tuyên giáo Trung ương phía Nam
Thứ nhất, bảng giá đất cũ được ban hành theo Quyết định 02/2020/QĐ-UBND của UBND TP kế thừa giá đất năm 2014 và bị khống chế bởi khung giá đất của Chính phủ, với mức giá tối đa là 162 triệu đồng/m2.
Như vậy là sau 10 năm, bảng giá đất trên địa bàn TP vẫn chưa được điều chỉnh phù hợp và sát với giá đất thực tế. Trong khi đó, nhiều tuyến đường trung tâm, đơn cử như tại khu vực quận 1 có giá giao dịch thực tế đã vượt xa khung giá. Do đó, việc giữ bảng giá cũ mà áp dụng thì giá sẽ không phù hợp với điều kiện thực tế.
Cũng vì lý do trên, khi TP thực hiện bồi thường để thu hồi đất sẽ có quyết định giá bồi thường riêng căn cứ vào giá thị trường. Ví dụ tại vị trí đường Song hành Quốc lộ 22, có giá đất theo Bảng giá của Quyết định số 02 là 780.000 đồng/m2, khi nhân hệ số K thì được 3,5 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, giá bồi thường được TP phê duyệt là 39,576 triệu đồng. Đây cũng là giá được đưa vào bảng giá đất điều chỉnh.
Hoặc tại Vành đai 3, khi có quyết định thu hồi đất của người dân, tính giá bồi thường dựa trên thị trường và nhận được sự đồng thuận cao. Nhưng khi đưa mức giá này vào bảng giá điều chỉnh để phù hợp với thị trường, quy định pháp luật lại bị phản ứng vì cho rằng người dân chuyển mục đích sử dụng phải đóng tiền nhiều hơn.
Sở TN&MT TP Hồ Chí Minh cho hay, nếu tính giá đất bằng cách lấy giá tại bảng hiện hành nhân với hệ số K mới nhất, vẫn thấp hơn nhiều so với giá bồi thường thực tế. Ảnh minh hoạ
Thứ hai, bảng giá đất theo Luật Đất đai 2013 trên địa bàn TP được ban hành theo Quyết định 02/2020/QĐ-UBND chưa cập nhật giá tái định cư đã phê duyệt. Theo quy định tại khoản 3 Điều 111 Luật Đất đai 2024 thì trường hợp chưa có giá đất trong bảng giá đất thì phải bổ sung bảng giá đất để làm căn cứ tính tiền sử dụng đất cho người được bố trí tái định cư.
Đặt vấn đề tiếp tục sử dụng bảng giá cũ thì không giải quyết được các dự án trên địa bàn TP mà đã có quyết định thu hồi đất. Như vậy, dù đủ điều kiện tái định cư nhưng lại không có giá tái định cư sẽ dẫn đến đình trệ các dự án đầu tư công, các dự án trọng điểm trên địa bàn TP. Không có giá tái định cư nằm trong bảng giá thì người dân sẽ không biết được giá tái định cư của mình là bao nhiêu và Nhà nước không xử lý được giá tái định cư cho người dân.
Thứ ba, bảng giá mới không còn hệ số mà áp dụng trực tiếp cho 12 trường hợp phải tính nghĩa vụ tài chính, theo đúng quy định của Luật Đất đai 2024. Nếu sử dụng tiếp bảng giá cũ mà không có hệ số thì giá càng thấp, không đảm bảo quy định khi thu và tính nghĩa vụ tài chính sẽ dẫn đến câu chuyện sẽ thất thoát tiền của nhà nước.
Ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết, để đưa ra bảng giá đất mới áp dụng từ 1/8 đến 31/12/2025, Sở TN&MT đã đưa ra 4 phương án điều chỉnh bảng giá đất. Phương án 1 là giữ nguyên, không điều chỉnh bảng giá đất theo Quyết định 02. Tuy nhiên, bảng giá cũ hiện nay quá thấp. Ví dụ, đường Nguyễn Duy Trinh (TP Thủ Đức) giá cũ là 4,2 triệu đồng/m2, trong khi giá bồi thường đã ở mức 73 triệu đồng/m2. Phương án 2 là điều chỉnh bảng giá đất theo Quyết định 02 theo cách lấy giá đất quy định tại Quyết định 02 nhân với hệ số điều chỉnh giá đất theo Quyết định 56/2023/QĐ-UBND (ngày 21/12/2023). Thử tính theo phương án này, kết quả cho ra vẫn rất thấp so với giá đất thực tế trên địa bàn TP. Vẫn là đường Nguyễn Duy Trinh, khi được nhân với hệ số, giá đất cũng chỉ ở mức 13,8 triệu đồng/m2, trong khi giá bồi thường là 73 triệu đồng/m2. Do đó, phương án này cũng không đảm bảo, không phù hợp. Phương án 3 là vừa lấy bảng giá nhân hệ số, vừa lấy giá tái định cư cập nhật vào. Ví dụ, giá tái định cư ở phố thị được duyệt 51 triệu đồng/m2, cập nhật vào bảng giá, trong khi ở gần đó, dự án khác áp dụng bảng giá cũ nhân hệ số, cho ra mức khoảng 5 triệu đồng/m2. Như vậy, cùng một tuyến đường sẽ cho ra hai mức giá chênh lệch nhau. Phương án 4 là thực hiện điều chỉnh bảng giá đất theo quy định pháp luật. Theo đó, TP thực hiện điều chỉnh theo phương pháp đấu thầu, thuê tư vấn thực hiện thu thập toàn bộ giá hiện nay giao dịch thành trên địa bàn TP và giá bồi thường đã được phê duyệt trong vòng 24 tháng. Như vậy, toàn bộ dữ liệu đầu vào được tư vấn cân đối, phân tích, tổng hợp rồi thực hiện các phương án so sánh, khấu trừ để ra được bảng giá hiện nay đang lấy ý kiến. |