Dự án khép kín vành đai 2 - đoạn 3 từ đường Phạm Văn Đồng - nút giao thông Gò Dưa (quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) dài 2,75km bắt đầu thi công từ năm 2017 do Công ty cổ phần Văn Phú Bắc Ái (CTCP Văn Phú - Bắc Ái) thực hiện theo hình thức hợp đồng BT.
Một phần Hợp đồng BT số 6827/HĐ-UBND giữa UBND TP Hồ Chí Minh và liên danh nhà đầu tư gồm Công ty cổ phần Đầu tư HNS Việt Nam - Công ty Cổ phần đầu tư Văn Phú Invest - Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng Bắc Ái ký. (Ảnh: Tiểu Thuý)
Ngày 25/11/2016, UBND TP Hồ Chí Minh và liên danh nhà đầu tư gồm Công ty cổ phần Đầu tư HNS Việt Nam - Công ty Cổ phần đầu tư Văn Phú Invest - Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng Bắc Ái ký hợp đồng BT số 6827/HĐ-UBND dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa - Quốc lộ 1, quận Thủ Đức (nay là TP Thủ Đức) theo hình thức BT với chiều dài 2,751 km.
Đây là dự án thuộc Vành đai 2 có tổng diện tích phải thực hiện giải phóng mặt bằng hơn 20 ha. UBND quận Thủ Đức (nay là TP Thủ Đức) chịu trách nhiệm tổ chức giải phóng mặt bằng, quản lý, sử dụng và quyết toán chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định. Giá trị hợp đồng BT là 2.765 tỷ đồng bao gồm 944 tỷ đồng giá trị dự án BT và 1.821 tỷ đồng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng.
Một đoạn đường thuộc dự án khép kín vành đai 2 - đoạn 3 từ đường Phạm Văn Đồng - nút giao thông Gò Dưa với cỏ mọc um tùm. (Ảnh: Tiểu Thuý)
Cụ thể, UBND TP dự kiến sẽ dùng 5 khu đất để thanh toán chi phí cho nhà đầu tư gồm: 234 Lý Tự Trọng, quận 1, rộng 643 m2; khu đất 129 Đinh Tiên Hoàng quận Bình Thạnh, 7.200 m2; khu đất 582 Kinh Dương Vương, quận Bình Tân, 12.240 m2; khu đất 132 Đào Duy Từ, quận 10, rộng 10.618,5 m2; khu đất 12 Kỳ Đồng, quận 3, rộng 940 m2; khu đất 42 Trương Định, quận 3, 807 m2.
Theo đúng dự kiến tuyến đường sẽ đưa vào sử dụng sau 24 tháng thi công. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, từ đầu năm 2020, đoạn 3 (dài 2,75 km) của đường vành đai 2 đã tạm ngưng thi công nhiều hạng mục. Công trường khu vực phường Tam Phú, TP Thủ Đức bị bỏ hoang, sắt thép rỉ sét, cây cối mọc um tùm, các cây cầu trơ cả khung sắt.
Báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh, ngày 7/12/2021. (Ảnh: Tiểu Thuý)
Báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh (đơn vị giám sát nhà nước đối với dự án), ngày 7/12/2021, cũng cho thấy, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tại dự án chỉ mới đạt 334/468 hồ sơ (đạt 71,36%), nhà đầu tư đã tiến hành tạm ứng hơn 960 tỷ đồng để phục vụ bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng.
Về tiến độ thi công, ngày 18/12/2017 chủ đầu tư bắt đầu thực hiện gói thầu XL-02 xây dựng cầu Rạch Lùng, cầu Rạch Ông Việt, cầu Rạch Gò Cát và đoạn tuyến từ km0+870 đến nút giao thông Gò Dưa. Lũy kế giá trị khối lượng thi công xây lắp toàn dự án đến nay đạt 43,8% (447,94/1.022 tỷ đồng). Từ tháng 3/2020 đến nay, dự án tạm ngưng thi công do công tác giải phóng mặt bằng của thành phố Thủ Đức còn chậm.
Trong khi đó, nhà đầu tư đang chờ UBND TP Hồ Chí Minh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông vận tải thành phố xem xét ký phụ lục hợp đồng BT về thay đổi cơ cấu giá trị xây lắp trong hợp đồng BT; điều chỉnh thời gian thực hiện dự án và định giá các lô đất thuộc dự án khác để giao cho nhà đầu tư triển khai theo đúng hợp đồng BT.
Khu đất công 132 Đào Duy Từ, quận 10, TP Hồ Chí Minh rộng hơn 10.000 m2 nhìn từ trên cao. (Ảnh: Tiểu Thuý)
Từ đó, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh kiến nghị UBND Thành phố sớm xét xét, chỉ đạo các sở ngành liên quan điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, điều chỉnh dự án, ký điều chỉnh phụ lục hợp đồng BT, thanh toán đất đối ứng… để tránh phát sinh lãi, gây thất thoát lãng phí cho ngân sách cũng như ảnh hưởng tới môi trường đầu tư của TP.
Như vậy, có thể hiểu, tính đến thời điểm này, CTCP Văn Phú Bắc Ái vẫn chưa được UBND TP giao đất, trong đó có khu đất vàng 132 Đào Duy Từ, phường 6, quận 10. Vì theo hợp đồng đã ký kết, thời điểm thanh toán hợp đồng BT là thời điểm UBND TP ban hành quyết định giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư.
Tuy nhiên, thực tế vào ngày 6/3/2017, CTCP Văn Phú Bắc Ái với tư cách bên chuyển nhượng đã ký Hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại 132 Đào Duy Từ (Quận 10) cho Công ty TNHH Joming với giá 370 tỷ đồng (tương đương 37 triệu đồng/m2). Giá trị này được các bên xác nhận là đã bao gồm tiền sử dụng đất, giá trị tài sản trên đất, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng.
Một phần phụ lục Hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa CTCP Văn Phú Bắc Ái và Công ty TNHH Joming. (Ảnh: Tiểu Thuý)
Đáng chú ý, trong phụ lục Hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa CTCP Văn Phú Bắc Ái và Công ty TNHH Joming lập ngày 14/5/2018 cũng thể hiện: CTCP Văn Phú Bắc Ái sẽ thực hiện thủ tục xin chấp thuận chủ trương chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho Công ty TNHH Joming tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thời hạn hoàn thành dự kiến trong quý III/2018 (trước ngày 30/9/2018).
Vấn đề đặt ra là, CTCP Văn Phú Bắc Ái đã căn cứ vào đâu để phát sinh các cam kết giao dịch chuyển nhượng đất nêu trên trong lúc UBND TP còn chưa trình Thủ tướng chấp thuận quỹ đất thanh toán Hợp đồng BT. Đồng thời, UBND TP và các đơn vị tham mưu, giám sát có nắm được việc này hay không?
Đặc biệt, cần phải làm rõ, số tiền CTCP Văn Phú Bắc Ái nhận được từ Joming có phải là hình thức dùng đất công để huy động vốn cho chính doanh nghiệp này, trong khi hàng ngày Ngân sách vẫn đang trả lãi hàng trăm triệu đồng cho các khoản vay liên quan đến dự án BT?
Tieudung.vn sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.