UBND TP Hồ Chí Minh vừa có quyết định phê duyệt đề án "Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn TP Hồ Chí Minh" từ đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường.
Theo đó, UBND TP nhận định hiện tại, TP không thể áp dụng giải pháp thuế để phân bổ giá trị đất tăng thêm do đầu tư hạ tầng mang lại. Giải pháp duy nhất có thể thực hiện là thu hồi đất rộng hơn hai bên hạ tầng, tái định cư tại chỗ cho người dân.
Thu hồi, đấu giá đất hai bên đường mới hứa hẹn giúp TP Hồ Chí Minh gỡ vướng những bất cập trong công tác quản lý đất đai, đồng thời tiến đến xóa bỏ những căn nhà siêu nhỏ, siêu mỏng gây mất mỹ quan đô thị
Cụ thể, TP sẽ thu hồi thêm đất ở hai bên công trình hạ tầng để thực hiện tái định cư tại chỗ cho những người bị thu hồi đất, cả người có đất trong phạm vi hạ tầng và người có đất kề bên hạ tầng. Mỗi người bị thu hồi đất đều được nhận lại một diện tích đất nhỏ hơn tỉ lệ nghịch với giá đất tăng thêm do hạ tầng mang lại. TP sẽ quy hoạch lại hai bên hạ tầng và phần đất dôi dư được bán đấu giá để thu tiền phục vụ triển khai thực hiện.
Phương án này cần được đưa ra lấy ý kiến cộng đồng những người bị thu hồi đất; khi đạt được đa số ý kiến của cộng đồng đồng thuận (đa số thường được lấy là 2/3) thì phương án được phê duyệt. Thiểu số người dân không đồng ý phải lựa chọn: hoặc chấp thuận phương án hoặc bị nhà nước thu hồi đất. Đây là cơ chế mang tên "đồng thuận cộng đồng theo đa số", bảo đảm công bằng cao nhất và tiết kiệm chi phí đầu tư phát triển.
Đề án sẽ được thực hiện trong năm 2021. Quá trình triển khai đề án phải đảm bảo đúng quy trình, quy định pháp luật; luôn cập nhật các quy định pháp luật sửa đổi liên quan; phát huy vai trò giám sát của HĐND các cấp. Định kỳ 6 tháng, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tổng hợp, điều chỉnh phù hợp thực tế và báo cáo UBND TP, Thành ủy.
Bên cạnh đó, UBND TP cũng thừa nhận tổng thu ngân sách từ đất giai đoạn 2016-2020 còn quá khiên tốn khi chỉ đạt 3-5% tổng thu ngân sách địa phương.
Các chuyên gia bất động sản nhận định, theo đề án này, khi nhà nước đầu tư dự án mở đường, những hộ bị giải phóng mặt bằng không được lợi. Phần lợi thuộc về các hộ dân kề bên dự án và không thuộc diện giải phóng mặt bằng hưởng lợi từ việc đất tăng giá. Nhà nước không có cơ chế thu lại khoản chênh lệch từ việc tăng giá đất.
"Cần 2/3 hộ dân đồng thuận, sẽ khó xảy ra hiện tượng tham nhũng trong đất đai. Điều này không chỉ đảm bảo quyền lợi của Nhà nước, quyền lợi của người dân cũng vì thế mà được đảm bảo”, một chuyên gia nhấn mạnh.