Theo đó, trong thư gửi khách hàng, Công ty CP Đầu tư Phát triển và Xây dựng Thành Đô (chủ đầu tư Tổ hợp Cocobay Đà Nẵng, công ty Thành Đô) cho hay, việc kinh doanh loại hình condotel thời gian qua vẫn gặp nhiều khó khăn do tính pháp lý chưa được hoàn thiện, gặp nhiều vướng mắc. Do đó, dù đã nỗ lực rất lớn nhằm thực hiện cam kết về lợi nhuận với khách hàng đã mua sản phẩm condotel tại dự án Cocobay Đà Nẵng, song tập đoàn này vẫn đành phải xin lỗi vì đã không thể thực hiện được chi trả lợi nhuận cam kết như đã hứa trong hợp đồng.
Công ty Thành Đô thừa nhận không thể trả lợi nhuận condotel như đã cam kết với khách hàng. |
Cụ thể, từ ngày 1/1/2020, do những khó khăn về dòng tiền, công ty Thành Đô chấm dứt việc chi trả lợi nhuận như đã cam kết trong hợp đồng khi mua condotel tại dự án Cocobay Đà Nẵng.
Công ty chỉ chịu trách nhiệm với các khoản lợi nhuận như đã cam kết đến hết ngày 31/12/2019 cho các chủ sở hữu condotel.
Cùng với đó, Công ty Thành Đô cũng đưa ra một số hướng giải quyết đối với các khách hàng đã mua sản phẩm condotel tại Cocobay Đà Nẵng, gồm:
Phương án thứ nhất, nếu muốn tiếp tục hợp tác cùng chủ đầu tư sẽ có hai lựa chọn. Một là, các căn condotel chuyển thành chung cư, tức là khách hàng được sử dụng vào mục đích để ở. Với phương án này, khách hàng mất thêm phí chuyển đổi là 15% giá mua căn hộ theo hợp đồng đã ký. Sau khi hoàn tất thủ tục này, chủ sở hữu có thể giao lại cho đơn vị thuộc công ty Thành Đô vận hành, chia sẻ lợi nhuận.
Nếu khách hàng vẫn giữ dự án là condotel và tiếp tục để chủ đầu tư kinh doanh thì không phải nộp phí chuyển đổi, nhưng không được ở. Cùng với đó, các chủ sở hữu phải ký bản hợp đồng giao cho công ty Thành Đô vận hành trong 10 năm nhưng trên nguyên tắc chia sẻ lợi nhuận. Khách hàng nhận về một mức thu nhập cố định hoặc 80% lãi từ việc kinh doanh sản phẩm này.
Phương án thứ hai mà Thành Đô đưa ra là khách hàng thanh lý hợp đồng mua bán. Theo đó chủ đầu tư sẽ giao lại các sản phẩm condotel cho khách hàng để tự kinh doanh, mua bán, chuyển nhượng mà không nhận bất kỳ một khoản lợi nhuận cam kết nào như đã ký. Các khách hàng nếu tự kinh doanh cũng phải đóng một khoản phí vận hành, sử dụng nhất định.
Phương án thứ ba được công ty Thành Đô đưa ra là hai bên tiến hành thanh lý các condotel đã ký hợp đồng, chủ đầu tư hoàn lại tiền cho khách hàng theo nguyên giá trong hợp đồng đã ký. Tuy nhiên, chủ đầu tư cũng nêu rõ sẽ khấu trừ một số khoản như: chi phí hỗ trợ lãi vay ngân hàng, chi phí hoa hồng, phí phát hành bảo lãnh.... Việc chi trả tiền của chủ đầu tư sẽ có thời hạn đến 30/9/2020. Trong thời gian chưa chi trả, chủ đầu tư sẽ thanh toán lãi suất 10% mỗi năm đối với số tiền đó..
Như vậy, sau quãng thời gian phát triển rầm rộ khắp cả nước, các dự án condotel đang dần bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc. Cụ thể là đến loại hình bất động sản này vẫn chưa được cơ quan quản lý cấp chứng nhận rõ ràng, tính pháp lý vẫn để ngỏ. Đặc biệt, hợp đồng mua bán condotel lại chỉ có thể dựa vào Luật Dân sự trên cơ sở những thoả thuận của hai bên chủ đầu tư và khách hàng nên việc xảy ra "thất hứa" hoặc tranh chấp là khó tránh khỏi.
Trước đó, rất nhiều chuyên gia bất động sản đã đưa ra khuyến cáo về tính rủi ro khi đầu tư vào loại hình condotel nhưng dường như nhà đầu tư vẫn "bỏ ngoài tai" vì bị “mê hoặc” bởi khoản lợi nhuận cam kết khủng lồ.
Cú “ngã ngựa” của Cocobay Đà Nẵng đang báo hiệu xấu cho hàng loạt dự án condotel tương tự khác khi mà thị trường condotel đang có cung lớn hơn cầu.