“Vừa ăn..., vừa la làng”?
Như Tieudung.vn đã thông tin trước đó, Công ty Cổ phần Naviland (Công ty Naviland) được thành lập bởi nhóm cổ đông gồm ông Lầu Nam Tường và vợ là bà Phạm Thị Ngọc Liên (lãnh đạo của Công ty TNHH Xây dựng Dịch vụ Thương mại Đầu tư bất động sản Tường Phong, viết tắt là Công ty Tường Phong) là chủ đầu tư dự án Roxana Plaza nắm 51%, với vợ chồng bà Dương Thị Phương Tuyền, ông Nguyễn Anh Đào – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Viet Home (Công ty VietHome) nắm 49%.
Mạo danh chủ đầu tư, Công ty Naviland bán "chui" hơn 1.000 căn hộ tại dự án Roxana Plaza.
Về vốn góp, phía ông Tường và bà Liên góp toàn bộ đất của dự án Roxana Plaza, trị giá 80 tỷ đồng (mà Công ty Tường Phong đang là chủ đầu tư); phía ông Đào và bà Tuyền góp 10 tỷ đồng tiền mặt và có trách nhiệm kêu gọi vốn (nếu không kêu gọi được thì ông Đào và bà Tuyền phải tự bỏ tiền ra) để xây dựng hoàn thiện dự án Roxana Plaza theo thiết kế đã được các cơ quan chức năng phê duyệt.
Tuy nhiên, khi Công ty Naviland đã bán căn hộ cho 1.078 khách hàng, thu về hơn 722 tỷ đồng thì dự án Roxana Plaza bất ngờ bị tạm ngừng xây dựng, với lý do đang xảy ra mâu thuẫn nội bộ giữa ban lãnh đạo doanh nghiệp.
“Ban lãnh đạo cũ của Naviland, cụ thể là bà Tuyền – cựu Tổng giám đốc cũ đã cấu kết, móc nối với đơn vị phân phối là Công ty VietHome do ông Đào (chồng bà Tuyền) làm chủ để chiếm đoạt tiền của khách hàng đã đóng để mua căn hộ tại dự án dẫn đến dự án bị thiếu kinh phí, không thể tiếp tục xây dựng để kịp tiến độ bàn giao nhà cho khách hàng” – bà Liên cho biết.
Bị tố cáo chiếm giữ hàng trăm tỷ đồng, ông Đào tố ngược Công ty Tường Phong làm giả Hợp đồng hợp tác kinh doanh (Số 02/20217-TPC-HĐHTKD) giữa Công ty Tường Phong và Công ty Naviland: “Thời điểm ký hợp đồng là ngày 07/04/2017, lúc này bà Tuyền không phải là người đại diện pháp luật của Naviland. Phải đến ngày 24/10/2017, trong lần thứ 3 thay đổi đăng ký kinh doanh thì bà Tuyền mới chính thức là Người đại diện theo pháp luật của Công ty Naviland” – ông Đào nói và nhấn mạnh, Naviland không hề ký hợp đồng này.
Công ty Naviland đăng ký thay đổi thông tin doanh nghiệp lần 2 vào ngày 08/04/2016 và lần 3 vào ngày 24/10/2017) tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương. Trong đó, lần 2 do ông Nguyễn Huy Linh là người đại diện pháp luật, lần 3 do bà Dương Thị Phương Tuyền là người đại diện pháp luật.
“Chữ ký của bà Tuyền trong hợp đồng này là chữ ký giả. Giữa Naviland và Tường Phong chỉ có Hợp đồng ủy quyền và Hợp đồng mua bán” – ông Đào quả quyết.
Tuy nhiên, thật bất ngờ, trong quá trình xác minh vụ việc, trên cơ sở hồ sơ mà ông Đào cung cấp, phóng viên phát hiện việc “động trời” là vào ngày 18/08/2017, cũng Công ty Naviland do chính bà Tuyền đứng ra ký Hợp đồng dịch vụ phân phối độc quyền dự án Roxana Plaza (Số 01/2017/HĐDV) với Công ty VietHo do ông Đào (chồng bà Tuyền) là giám đốc, đại diện pháp luật. Ở thời điểm này, theo thông tin thay đổi đăng ký kinh doanh lần 3 thì bà Tuyền cũng không phải đại diện pháp luật của Naviland.
Vậy, trong trường hợp này, ông Đào có biết và có cho rằng hợp đồng nói trên là giả mạo hoặc vô hiệu hay không?...
Bất ngờ chưa dừng lại khi trong cùng ngày 18/08/2017 và cùng Số hợp đồng 01/2017/HĐDV, ông Nguyễn Huy Linh đại diện Công ty Naviland ký kết một Hợp đồng dịch vụ phân phối độc quyền dự án Roxana Plaza khác với Công ty VietHome. Nếu căn cứ theo thông tin thay đổi đăng ký kinh doanh lần 2 vào ngày 08/04/2016, ông Linh đúng là người đại diện pháp luật của Công ty Naviland.
Theo đó, ông Linh giữ chức danh Giám đốc của Công ty Naviland từ ngày 08/04/2016, và phải đến ngày 24/10/2017 thì bà Tuyền mới được chọn là người thay thế đảm nhiệm vị trí nói trên.
Đến đây, câu hỏi đặt ra là, vào thời điểm ngày 18/08/2017, bà Tuyền khi chưa phải là Giám đốc của Công ty Naviland đã dùng “tư cách” gì để ký Hợp đồng dịch vụ phân phối độc quyền dự án Roxana Plaza với Công ty VietHome?
Khoan bàn đến việc có hợp đồng giả mạo hay không? Hay đâu là hợp đồng giả, đâu là hợp đồng thật? Chỉ cần so sánh những điều khoản trong 2 Hợp đồng dịch vụ phân phối độc quyền dự án được ký cùng ngày 18/08/2017, sẽ thấy rõ nhiều bất thường trong hợp đồng mà bà Tuyền là người đại diện Công ty Naviland ký với Công ty VietHome.
Bất thường về 2 hợp đồng phân phối độc quyền dự án
Hợp đồng dịch vụ phân phối độc quyền dự án Roxana Plaza (Số 01/2017/HĐDV), do ông Nguyễn Huy Linh đại diện Công ty Naviland ký với Công ty VietHome, ngày 18/08/2017 (Điều 4.4 khung đỏ).
Theo ghi nhận, Hợp đồng dịch vụ phân phối độc quyền dự án Roxana Plaza do ông Huy Linh (Giám đốc Naviland) ký với VietHome, tại Điều 4.4 ghi rõ “Hai bên thống nhất rằng toàn bộ tiền khách hàng thanh toán mua sản phẩm sẽ được khách hàng chuyển trực tiếp vào tài khoản riêng của Naviland. Riêng tiền đặt chỗ và/hoặc tiền đặt cọc của khách hàng thì VietHome là bên duy nhất có quyền thu nhưng phải chuyển cho Naviland trong vòng 24 giờ, nếu không sẽ được xem là giao dịch không hợp lệ và VietHome sẽ tự chịu tất cả các huệ luyj từ việc giao dịch không hợp lệ gây ra”.
Trong khi đó, Hợp đồng dịch vụ phân phối độc quyền dự án Roxana Plaza do bà Tuyền (không phải là Giám đốc Naviland) ký với VietHome (do ông Đào chồng bà Tuyền làm giám đốc, đại diện pháp luật), tại Điều 5.4 ghi rõ “Hai bên thống nhất khi giao dịch đã thành công nhưng chưa đủ điều kiện xuất hoá đơn thì Naviland vẫn phải ứng trước tiền phí dịch vụ tiếp thị và phân phối (DVTT&PP) cho VietHome theo đúng quy định tại điều 5.3 (thanh toán phí dịch vụ). Việc thanh toán tiền phí DVTT&PP có thể thực hiện bằng chuyển khoản, tiền mặt hoặc cấn trừ vào tiền thanh toán của khách hàng cho Naviland mà VietHome thu hộ. Khi đã đủ điều kiện xuất hoá đơn, Naviland thanh toán phí DVTT&PP cho VietHome bằng chuyển khoản vào tài khoản của VietHome ..”.
Như vậy, khi ký hợp đồng ông Huy Linh đại diện Naviland đồng ý để VietHome thu tiền đặt chỗ và/hoặc tiền đặt cọc của khách hàng mua dự án, nhưng phải chuyển toàn bộ số tiền này vào tài khoản của Naviland trong vòng 24 giờ.
Hợp đồng dịch vụ phân phối độc quyền dự án Roxana Plaza (Số 01/2017/HĐDV), do bà Dương Thị Phương Tuyền đại diện Công ty Naviland ký với Công ty VietHome, ngày 18/08/2017 (Điều 5.4 khung đỏ).
Ngược lại, bà Tuyền đồng ý cho Công ty VietHome cấn trừ phí DVTT&PP vào tiền thanh toán của khách hàng cho Naviland mà VietHome thu hộ. Điều khoản “lợi người, hại ta” mà bà Tuyền đã ký, liệu có phải là nguyên nhân dẫn đến hậu quả 973 khách hàng bị Công ty VietHome giữ hơn 32 tỷ đồng tiền cọc mua căn hộ tại dự án Roxana Plaza? Và, VietHome cho rằng, số tiền này là tổng tiền đặt mua VietHome đã đồng ý cấn trừ vào phí DVTT&PP của Naviland.
Sự mâu thuẫn này gây khó hiểu, vì cùng ngày ký, cùng số hợp đồng, cùng mục đích phân phối độc quyền dự án Roxana Plaza, cùng ký với Công ty VietHome…Naviland có nhất thiết phải ký đến 2 hợp đồng, với điều khoản trái ngược nhau?
Chưa kể, trong buổi làm việc với báo Kinh tế & Đô thị (ngày 4/4/2022), mặc dù ông Đào trực tiếp khẳng định thời điểm ngày 18/08/2017 bà Tuyền không phải là người đại diện pháp luật của Công ty Naviland. Song, kỳ lạ trong Biên bản đối chiếu và xác nhận công nợ, ngày 02/06/2021, Công ty VietHome cho biết, tổng số tiền Naviland còn phải thanh toán cho VietHome là: 166.753.354.901 đồng.
Cụ thể, với tổng số lượng sản phẩm đã giao dịch thành công là 1078 (sản phẩm), thì tổng tiền phí DVTT&PP mà Naviland phải thanh toán cho VietHome là: 328.911.189.762 đồng (chiếm gần 50% trong tổng giá trị hơn 722 tỷ đồng mà Naviland thu về từ khách hàng). Trong đó, tổng số tiền phí DVTT&PP mà Naviland đã thanh toán cho VietHome qua ngân hàng là: 131.867.834.861 đồng. Và, tổng tiền đặt mua Naviland đã đồng ý cấn trừ vào phí DVTT&PP của VietHome là: 32.790.000.000 đồng.
Từ đó, VietHome tính ra, tiền phí DVTT&PP (đã bao gồm VAT) mà Naviland còn phải thanh toán cho VietHome bằng: 328.911.189.762 - 131.867.834.861 - 32.790.000.000 = 164.253.354.901 đồng.
Công ty Naviland phạt khách hàng hơn 12 triệu đồng vì chậm nộp tiền mua dự án. Vậy, khi doanh nghiệp chậm giao nhà, ai sẽ bảo vệ quyền lợi của họ?
Ở đây, Công ty VietHome đã sử dụng điều khoản cho phép doanh nghiệp này cấn trừ phí DVTT&PP vào tiền thanh toán của khách hàng cho Naviland mà VietHome thu hộ. Điều này trùng hợp với điều 5.4 trong hợp đồng mà bà Tuyền đại diện ký kết với VietHome trước đó vào ngày 18/08/2017.
Vậy, nếu trong trường hợp có thể xác định tại thời điểm ký kết hợp đồng, bà Tuyền không phải là Giám đốc của Công ty Naviland, thì hợp đồng này không được công nhận? Từ đó, những yêu cầu về công nợ của VietHome cũng không hợp lệ, bị vô hiệu?...
Chưa kể, liên quan đến tổng chi phí DVTT&PP hơn 328,9 tỷ đồng nói trên, bà Liên khẳng định, không có bất kỳ văn bản đồng ý giá trị này của Hội đồng quản trị Naviland hay Tường Phong…
Rõ ràng, câu chuyện tiền bạc nhùng nhằng với Công ty VietHome là một trong nhiều nguyên nhân khiến mâu thuẫn nội bộ giữa Naviland và Tường Phong bùng lên, âm ỉ và ngày càng căng thẳng. Trong khi chủ đầu tư và công ty liên quan dự án đều quyết tâm bảo vệ “túi tiền” của mình, thì ai sẽ bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của hàng nghìn người dân mua căn hộ tại dự án Roxana Plaza?...
Tieudung.vn sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.