Sở TN&MT Thành phố Hồ Chí Minh vừa gửi Sở Xây dựng về chuẩn bị nội dung báo cáo Đoàn Giám sát của Quốc hội việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023.
Theo đó, Sở TN&MT cho biết, Thành phố có mật độ dân cư cao, đất đai có nguồn gốc đa dạng, phức tạp và luôn biến động, do đó khối lượng đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, tranh chấp liên quan đến đất đai rất lớn, phức tạp và kéo dài.
Cụ thể, theo thống kê, số lượng đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, tranh chấp liên quan đến đất đai chiếm khoảng 75% tổng số khiếu nại, kiến nghị trong hoạt động quản lý kinh tế - xã hội. Các vụ việc kiến nghị, khiếu nại, tố cáo chủ yếu tập trung vào lĩnh vực thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Có 85.300 đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh minh hoạ
Về tiếp nhận, phân loại và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, Sở TN&MT cho biết toàn Thành phố đã tiếp nhận và xử lý khoảng 85.300 đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai. Trong đó, đơn thư thuộc thẩm quyền giải quyết khoảng 65.200 đơn; không thuộc thẩm quyền giải quyết khoảng 20.100 đơn.
Hàng năm, các cơ quan thuộc UBND Thành phố, như: Thanh tra Thành phố, Sở TN&MT và UBND cấp huyện đều phối hợp rà soát, ban hành và thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra, đồng thời UBND Thành phố có nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện các đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với các tổ chức cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật đất đai.
Ngoài ra, công tác thanh, kiểm tra trong lĩnh vực đất đai ngày càng được tăng cường và đi vào chiều sâu. Toàn Thành phố đã thực hiện hơn 700 cuộc thanh tra, kiểm tra, trong đó: Thanh tra Thành phố tiến hành 46 cuộc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đất đai; Thanh tra của các quận, huyện và thành phố Thủ Đức tiến hành 104 cuộc; Thanh tra Sở TN&MT trường tiến hành 51 cuộc thanh tra và gần 500 cuộc kiểm tra chuyên ngành về quản lý sử dụng đất.