Làm thủ tục phá sản nhiều doanh nghiệp như PVCLand, thị trường BĐS sẽ thanh lọc mạnh... |
Đây là một bước đi quyết liệt để thanh lọc những doanh nghiệp bất động sản (BĐS) yếu kém, góp phần lành mạnh hóa thị trường.
Vẫn còn hàng trăm dự án “bất cập”
Còn nhớ vào giai đoạn 2010-2012, khi các ngân hàng thực hiện thắt chặt tiền tệ, hạn chế tín dụng và coi BĐS là ngành phi sản xuất, ngay lập tức khiến hàng loạt doanh nghiệp địa ốc chao đảo, thị trường rơi vào khủng hoảng. Sau một thời gian dài lao dốc, từ cuối năm 2013 đến nay nhìn chung thị trường đã từng bước phục hồi và tăng trưởng tích cực trở lại.
Sự hồi phục của thị trường trước hết là nhờ sự nỗ lực tự thân của doanh nghiệp trong việc điều chỉnh giá thành cơ cấu sản phẩm, tái cơ cấu đầu tư, tăng cường hợp tác - liên kết doanh nghiệp, đẩy mạnh mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, chuyển nhượng dự án...
Cùng với đó, khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 02/2013/NQ-CP, đưa ra các chính sách, giải pháp hỗ trợ sản xuất và thị trường, thông qua gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng (dành 70% hỗ trợ cho người mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có giá dưới 1,05 tỷ đồng/căn; dành 30% hỗ trợ cho các dự án nhà ở xã hội), đã thổi một luồng gió mới tạo cú hích cho thị trường BĐS đủ lực thoát ra cơn khủng hoảng bao trùm.
Tác động lớn nhất của chính sách này đã góp phần giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu, tái khởi động dự án, hỗ trợ người có thu nhập trung bình - thấp đô thị sở hữu nhà ở. Không ít doanh nghiệp địa ốc đã chớp thời cơ để vươn lên tầm cao mới khẳng định tên tuổi trong vòng 3-4 năm trở lại đây như Vingroup, Hưng Thịnh, Novaland, Khang Điền, Himlam, Phú Long, Nam Long, Kiến Á... với hàng loạt dự án tung ra được thị trường đón nhận.
Tuy nhiên, rất nhiều doanh nghiệp địa ốc cho đến nay vẫn đang quay cuồng trong cơn lốc xoáy nợ nần đối với khách hàng, nhà thầu, đặc biệt là khoản nợ vay ngân hàng. Chính vì vậy, tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh, tranh chấp trong lĩnh vực nhà đất trở thành một vấn đề nóng bỏng và được đẩy lên thành cao trào. Chưa có thống kê đầy đủ nào về số lượng doanh nghiệp địa ốc ngưng hoạt động, tuyên bố phá sản, song có thể thấy số doanh nghiệp trong tình cảnh “sống dở chết dở” chiếm một tỷ lệ không hề nhỏ.
Theo thống kê, riêng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hiện nay đã có tới 500 dự án ngừng triển khai, đắp chiếu, một trong những lý do chính là chủ đầu tư yếu kém năng lực tài chính. PVCLand, Vinaland, Tài Nguyên, Địa ốc Sài Gòn M&C hay Gia Phú chính là những cái tên tiêu biểu cho thực trạng này. Những dự án do các công ty này làm chủ đầu tư nắm giữ thành tích “bất động” lên đến 5-7 năm, chây ì bàn giao nhà cho khách hàng.
Giám sát đặc biệt
Theo những khách hàng mua nhà tại dự án PetroVietnam Landmark (quận 2, TP Hồ Chí Minh), tổng số tiền PVCLand thu được từ họ đến cuối năm 2011 gần 500 tỷ đồng, trong khi giá trị đầu tư vào dự án chỉ khoảng 315 tỷ đồng.
Chậm trễ giao nhà 5-6 năm trời, lún sâu trong nợ nần, người mua nhà đã khởi kiện chủ đầu tư, đồng thời đề nghị TAND mở thủ tục phá sản để giải quyết nợ đối với công ty này. Và TAND TP Hồ Chí Minh mới đây đã ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với PVCLand.
Theo Điều 4, Khoản 1, Luật Phá sản 2014, một doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán sẽ bị coi là rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán. Theo quy định này, bất kỳ chủ nợ nào đều có thể nộp đơn yêu cầu TAND mở thủ tục phá sản.
Việc mở thủ tục phá sản một doanh nghiệp thực ra không phải chấm dứt tồn tại, chủ sở hữu mất quyền sở hữu doanh nghiệp. Biện pháp này chỉ đặt doanh nghiệp vào trạng thái giám sát đặc biệt, nhằm tránh việc cất giấu, tẩu tán tài sản, đồng thời phải ngồi vào bàn đàm phán nghiêm túc với các chủ nợ một cách có thiện chí.
Sau khi TAND mở thủ tục phá sản, theo quy định doanh nghiệp sẽ chịu kê biên tài sản và tiến hành cuộc họp với các chủ nợ. Tại cuộc họp này, các chủ nợ có thể đi đến thống nhất cho doanh nghiệp một thời gian phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh song song với trách nhiệm giải quyết các món nợ.
Nếu doanh nghiệp không thể trả nợ trong thời hạn đề ra, tình hình kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ triền miên, doanh nghiệp sẽ bị TAND buộc tuyên bố phá sản. Tất cả tài sản hiển nhiên bị “đóng băng” để thanh toán cho các chủ nợ theo trình tự ưu tiên gồm: nợ tiền lương đối với người lao động, nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, các khoản nợ có bảo đảm và nợ không có bảo đảm.
Như vậy, vẫn còn sớm để nói rằng PVCLand có bị tuyên bố phá sản thật hay không. Thế nhưng sự kiện này thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận và có thể từ đây sẽ kéo theo một làn sóng khách hàng yêu cầu TAND mở thủ tục phá sản và tuyên bố phá sản doanh nghiệp địa ốc yếu kém để xử lý công nợ một cách công khai, minh bạch, đúng luật.
Hơn ai hết, các chủ nợ, con nợ, lâm vào hoàn cảnh như PetroVietnam Landmark đang dõi theo diễn biến để có sự quyết định và ứng phó. Chắc chắn xu hướng này sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh mới, đẩy nhanh tiến trình đào thải tự nhiên lẫn sử dụng công cụ pháp lý để thanh lọc doanh nghiệp yếu kém, giúp thị trường BĐS phát triển lành mạnh và bền vững hơn.