Dự án Vinaland Tower |
Hơn 6 năm trước, Công ty CP Đầu tư BĐS Việt Nam (Vinaland - VNI) phát hành chứng chỉ quyền mua nhà, dưới hình thức khách hàng cho công ty vay tiền như một khoản tiết kiệm để được mua nhà tại dự án Vinaland Tower do công ty làm chủ đầu tư.
Đã có hàng trăm khách hàng tham gia chứng chỉ này và Vinaland - VNI đã thu về hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, hơn 6 năm qua, nhà đâu không thấy, trong khi đó Vinaland - VNI đang lên kế hoạch bán các dự án này và quyền lợi của khách hàng chưa biết sẽ ra sao.
Mập mờ kế hoạch chuyển nhượng dự án
Mới đây, VNI đã tổ chức ĐHCĐ bất thường để thảo luận và biểu quyết các nội dung như phát hành cổ phiếu riêng lẻ; chuyển nhượng dự án Vinaland Tower; chuyển nhượng dự án Chợ Phước Long (quận 7, TP Hồ Chí Minh) và bầu bổ sung thành viên HĐQT cho nhiệm kỳ 2012-2017.
Tuy nhiên, việc chuyển nhượng dự án Vinaland Tower với mức giá 140 tỷ đồng và chuyển nhượng dự án Chợ Phước Long với giá 250 tỷ đồng kết quả đã không được thông qua.
Được biết, một trong những nguyên nhân 2 nội dung này không được thông qua do tỷ lệ biểu quyết chỉ đạt 60,46%, trong đó đáng chú ý có ông Trần Minh Hoàng, cổ đông sáng lập, người nắm số cổ phần lớn tại VNI và một số cổ đông khác không đồng tình vì cho rằng, có quá nhiều điều mập mờ xung qua những nội dung này.
Về nội dung chuyển nhượng dự án Vinaland Tower với mức giá 140 tỷ đồng, ông Trần Minh Hoàng đặt nghi vấn có hay không việc phát hành cổ phiếu nhưng thực chất là để các đối tác chiến lược thâu tóm công ty, mua dự án với giá rẻ mạt.
Bởi lẽ, theo tính toán nếu xây dựng với đơn giá 7 triệu đồng/m2 và bán theo giá thị trường sẽ có mức giá dao động từ 22-25 triệu đồng/m2, giá trị của dự án Vinaland Tower sẽ khoảng 243-295 tỷ đồng, chêch lệch hàng trăm tỷ đồng so với giá dự kiến bán.
Và câu hỏi được đặt ra, vì sao công ty không thực hiện việc xây dựng dự án, bán sản phẩm mà lại quyết định chuyển nhượng dự án giá thấp, ai là người hưởng lợi?
Ngược lại với dự án Vinaland Tower được đề xuất bán giá thấp, dự án Chợ Phước Long lại được HĐQT Vinaland - VNI đưa ra mức giá lên đến 250 tỷ đồng.
Theo ông Hoàng, chợ Phước Long hiện đã chuyển nhượng hầu hết sạp cho tiểu thương, vì sao còn đặt vấn đề chuyển nhượng tới 250 tỷ đồng? Căn cứ nào để đưa ra giá đó? HĐQT đã tìm hiểu thủ tục pháp lý hay chưa khi trình ĐHCĐ chuyển nhượng dự án chợ chưa được phê duyệt quy hoạch chính thức, còn sạp chợ thì trên thực tế đã chuyển nhượng gần hết.
Đó là chưa kể, HĐQT đã hỏi ý kiến tiểu thương và chính quyền, các cơ quan chức năng về việc dự định thay đổi chủ chợ hay chưa?
Nguy cơ tan giấc mơ chứng chỉ mua nhà
Theo quy chế Quỹ Tiết kiệm nhà ở do Vinaland công bố trước đây, cả 2 dự án trên là đối tượng để VNI thực hiện chính sách huy động vốn. Hình thức thực hiện là Vinaland - VNI thiết lập các hợp đồng vay tiền của khách hàng với số tiền vay 5,1 triệu đồng (tương ứng 1 chứng chỉ) với thời hạn cho vay 60 tháng.
Việc chuyển nhượng dự án Vinaland Tower với mức giá 140 tỷ đồng và dự án Chợ Phước Long với giá 250 tỷ đồng không được thông qua. |
Quyền lợi của người cho vay là được mua nhà với đơn giá gốc xây dựng, số chứng chỉ có được tương ứng với quyền mua của số mét vuông nhà. Ngoài ra, khách hàng còn được ưu tiên lựa chọn căn hộ trước khi công ty chào bán ra bên ngoài.
Để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, Vinaland - VNI cam kết khách hàng có quyền đề nghị công ty trả lại toàn bộ số tiền gốc và lãi suất gộp tính theo tháng bằng 100% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước ban hành tại thời điểm trả nợ.
Trong trường hợp sau 60 tháng kể từ ngày khách hàng cho vay công ty vẫn chưa xây nhà, khách hàng có quyền yêu cầu công ty trả lại toàn bộ số tiền gốc và lãi suất gộp tính theo tháng bằng 200% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước ban hành tại thời điểm trả nợ.
Sau khi Vinaland - VNI thực hiện chương trình này từ đầu năm 2009, đã có hàng trăm khách hàng ký hợp đồng cho Vinaland - VNI vay vốn để có được quyền mua nhà, giúp Vinaland - VNI thu về hàng chục tỷ đồng.
Tuy nhiên, từ đó đến nay các dự án của Vinaland - VNI không hề được xây dựng, nhiều khách hàng nóng lòng tìm đến doanh nghiệp để đòi lại tiền và lãi suất nhưng vẫn không được Vinaland - VNI giải quyết.
Anh K, một khách hàng đã mua chứng chỉ của Vinaland - VNI, cho biết bắt đầu ký hợp đồng cho Vinaland - VNI vay tiền từ tháng 1-2009, mỗi tháng anh phải đóng cho Vinaland - VNI số tiền 10,2 triệu đồng cho các chứng chỉ. Sau khi đóng hơn 10 đợt với số tiền hơn 100 triệu đồng, do thấy dự án không xây dựng, anh dừng không đóng nữa.
Khi hết thời hạn cam kết, anh đến công ty đòi tiền, nhưng bị công ty liên tục từ chối, đến nay số tiền gốc lẫn lãi vẫn chưa được thu hồi. Tính đến nay, số tiền lãi quá hạn và tiền lãi phạt đã gần gấp đôi số tiền gốc.
Tương tự, hàng trăm khách hàng khác cũng đã chờ đợi mỏi mòn quyền được mua nhà của Vinaland - VNI nhưng vẫn không được. Gần đây, Vinaland - VNI lên kế hoạch bán 2 dự án, nhưng không hề đả động đến quyền lợi của các khách hàng mua chứng chỉ.
Nguy cơ khách hàng mua chứng chỉ nhà ở của Vinaland - VNI không chỉ tan biến mà còn có khả năng nợ khó đòi. Nhà đâu chưa thấy, tiền không lấy lại được, nhân sự lãnh đạo công ty thay đổi… hàng trăm khách hàng có nguy cơ tan mộng chứng chỉ nhà cùng Vinaland.
Siêu dự án 154ha Bình Trưng Đông sau 15 năm vẫn đắp chiếu
(Tieudung24h.vn) - Hàng chục chủ đầu tư tranh nhau phân lô bán đất thu tiền nhưng không hoàn tất công tác bồi thường, đầu tư hạ tầng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân bị thu hồi đất lẫn khách hàng mua đất dự án. |