Từ đầu năm 2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có động thái yêu cầu các ngân hàng thương mại phải hướng tín dụng vào sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, đồng thời tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như: Bất động sản (BĐS), chứng khoán… Đây được xem là giải pháp nhằm hạn chế các hoạt động đầu cơ, giúp thị trường tài chính trở nên minh bạch, sau hàng loạt những bê bối của DN như sự cố của Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh hay Chứng khoán Trí Việt...
Tân Hoàng Minh, FLC… “con sâu làm rầu nồi canh”!
Đánh giá động thái này của NHNN là cần thiết, nhằm lạnh mạnh hóa thị trường, giảm thiểu các rủi ro cho nền kinh tế. Tuy nhiên, giới chuyên môn cho rằng, vụ án thao túng chứng khoán của FLC hay gian dối phát hành trái phiếu của Tân Hoàng Minh thực chất chỉ là “giọt nước tràn ly” vì bản chất thị trường tiền tệ đã tăng “nóng” thời gian qua, khi đa số các nhà đầu tư đều sử dụng đòn bẩy tài chính.
Động thái kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào BĐS của Ngân hàng Nhà nước liên tục gần đây gây ra không ít khó khăn cho doanh nghiệp và người vay mua nhà. Ảnh: Tiểu Thúy
Cùng với đó, có không ít DN nguồn vốn hạn chế, lệ thuộc hoàn toàn vào vốn ngân hàng và dùng các bản quy hoạch, đôi khi hoàn toàn là trên giấy để đi hút tiền của người dân.
Thực tế này dẫn đến nguy cơ phát sinh những rủi ro tiềm ẩn, ảnh hưởng lớn đến việc huy động vốn trung và dài hạn, đến thị trường trái phiếu, cổ phiếu, chủ trương phát triển thị trường vốn.
Không phản đối chủ trương siết tín dụng của NHNN, song ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, về lâu dài NHNN nên có những biện pháp quản lý mang tính chất dài hơi hơn chứ không đơn thuần chỉ là biện pháp hành chính như hiện nay. “Không nên vì một số ít DN có sai phạm, vi phạm pháp luật mà siết quá chặt, siết quá đà, siết cả DN làm ăn đàng hoàng, tuân thủ pháp luật đang chiếm đa số trong nền kinh tế” – ông Lê Hoàng Châu nói.
Cũng theo ông Lê Hoàng Châu, vốn vào của DN đến từ 3 nguồn chính gồm: Vốn tín dụng từ ngân hàng, trái phiếu cổ phiếu, quỹ đầu tư (trong nước và ngoài nước), riêng với DN BĐS thì có thêm kênh huy động từ khách hàng thông qua hình thức bán sản phẩm hình thành trong tương lai. Nhưng hiện nay các nguồn vốn này đều đang vướng. Vì vậy, nếu siết cùng lúc cả tín dụng và trái phiếu DN sẽ “đứt gẫy” dòng vốn đầu tư, nhiều DN có nguy cơ “ngộp thở”, nhất là trong lúc thanh khoản bị sụt giảm mạnh.
“Vốn, tài chính vẫn là bài toán thách thức với các DN sau 2 năm chống chọi với đại dịch Covid-19. Tới nay, câu chuyện này tiếp tục là bài toán chưa có lời giải dành cho nhiều DN khi mà thực trạng, kẹt hàng, thiếu vốn, mất thanh khoản, thậm chí có nguy cơ “chết trên đống tài sản” của chính mình… đang hiện hữu, và DN đang phải đương đầu” – ông Lê Hoàng Châu phân tích.
Từ nhận định trên, HoRE kiến nghị Chính phủ, NHNN xem xét nới trần tín dụng (room) thêm 1 - 2% để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng 100.000 - 200.000 tỷ đồng hỗ trợ cho nền kinh tế trong giai đoạn cao điểm cuối năm, trong đó có thị trường BĐS.
Nếu thị trường BĐS bị đình đốn, suy thoái thì có thể kéo theo sự suy thoái của nền kinh tế vì BĐS có liên quan mật thiết đến hơn 35 ngành, lĩnh vực tạo việc làm cho hàng triệu người lao động, đồng thời có thể tác động tiêu cực đến việc đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở cho tầng lớp người yếu thế trong xã hội. Do đó, không vì những “con sâu làm rầu nồi canh” mà siết quá chặt, làm ảnh hưởng đến các chủ đầu tư chân chính.
“Tôi cho rằng, việc bảo đảm nguồn vốn cho DN, đặc biệt là DN BĐS từ nay đến cuối năm, cũng như giai đoạn sau này rất quan trọng. Vì trên thực tế, DN đang thực sự khát vốn” – ông Châu nói thêm.
Doanh nghiệp khủng hoảng vì “đói” vốn
Theo ghi nhận, dù phần nhiều các DN BĐS trên sàn báo cáo lợi nhuận nhưng thực tế dòng tiền hoạt động thì lại là âm. Thậm chí, cả các DN có quy mô lớn như Hải Phát (-1.500 tỷ đồng), Cenland (-885 tỷ đồng), Khang Điền (-841 tỷ đồng), DIC Corp (-353 tỷ đồng), Nam Long (-156 tỷ đồng)…
Thực tế cho thấy, khi 2 nguồn vốn quan trọng là tín dụng ngân hàng và trái phiếu đều bị kiểm soát chặt, các DN địa ốc loay hoay tìm nguồn thay thế khi dòng tiền kinh doanh dần cạn kiệt. Thậm chí, có nhiều DN buộc phải cắt giảm nhân sự, đây được xem là giải pháp tình thế để ứng phó với khó khăn toàn diện chưa từng có tiền lệ trên thị trường như hiện nay. Mới đây, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư địa ốc NoVa (Novaland) công bố nhận khoản đầu tư 250 triệu USD từ nhóm quỹ đầu tư do Warburg Pincus dẫn đầu. Tương tự, Tập đoàn Hưng Thịnh cũng mới nhận khoản đầu tư vốn cổ phần trị giá 103 triệu USD của Dragon Capital và VinaCapital.
Không khó để nhận thấy, các "ông lớn" cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề, phải tìm đường huy động vốn từ các đối tác nước ngoài, trong khi đó với các DN có quy mô nhỏ và vừa, khó khăn sẽ còn nhiều hơn.
Ông Lê Tấn Hiếu – nhà thầu một dự án trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Đặc thù của các DN xây dựng là khi thực hiện dự án chỉ được tạm ứng 10% - 15% giá trị hợp đồng, nên phải sử dụng vốn tín dụng ngân hàng để mua vật tư, huy động xe máy, nhân công. Nhưng hiện tại “gõ cửa” ngân hàng nào cũng bị lắc đầu vì hết room tín dụng. Vay nóng lãi suất rất cao, trung bình khoảng 20 – 30%/năm nhưng vẫn phải vay. Chúng tôi phải tồn tại trước đã, còn “sống” như thế nào thì sang năm 2023 tính tiếp”.
Không chỉ chủ DN xây dựng mà ngay cả các DN kinh doanh nhỏ lẻ cũng ngán ngẩm khi nói đến việc đi vay vốn ngân hàng thời điểm này. Ông Phạm Thế Dũng, chủ DN kinh doanh thực phẩm cho biết, DN của ông cũng không vay được ngân hàng dù có tài sản thế chấp, nguyên nhân là vì hết room tín dụng.
“Chúng tôi cần vốn để lấy hàng dự trữ bán Tết nguyên đán 2023. Thời điểm này giá còn rẻ, chứ khoảng cuối tháng 12 thì giá tăng rất cao. Tuy nhiên, vì không được duyệt vay, công ty của tôi đang đứng trước nguy cơ dừng hoạt động” – ông Dũng than thở.
Đồng cảnh ngộ, chị Nguyễn Thị Hồng Liên chủ hộ sản xuất bánh kẹo trên địa bàn quận 6, TP Hồ Chí Minh cũng rơi vào thế khó, vì dù được ngân hàng thông báo cho vay 6 tháng nhưng không dám vay vì không đủ thời gian quay vòng vốn.
Cũng bị vạ lây vì siết tín dụng, anh Đoàn Xuân Du (quận 3, TP Hồ Chí Minh) cho biết, có nhu cầu mua căn nhà khoảng 3 tỷ đồng để ở. Vợ chồng anh có sẵn 2 tỷ đồng và muốn vay ngân hàng 1 tỷ đồng nhưng làm hồ sơ gần 3 tháng nay, ngân hàng vẫn bảo… chờ, dù trước đó dự án đã có cam kết tài trợ vốn giữa chủ đầu tư và ngân hàng.
“Không chỉ các DN, khó khăn đã len lỏi đến từng hộ kinh doanh, nhà đầu tư nhỏ lẻ, và cả người mua nhà” – anh Du cảm thán! Hầu hết lãnh đạo các DN đều bày tỏ, mong muốn ngành ngân hàng sớm tháo gỡ khó khăn, nới room tín dụng để tạo đà phục hồi nền kinh tế trong những ngày cuối năm.
Đáp lại, về phía ngân hàng, một giám đốc chi nhánh ngân hàng thương mại tại TP Hồ Chí Minh cho biết, không thể trả lời về thời điểm nới room tín dụng để cho vay trở lại vì thực tình, chính ngân hàng cũng không biết tình trạng này sẽ kéo dài đến bao giờ…
(Còn nữa).