|
Nhiều căn hộ tại dự án Happy Star Tower treo biển bán nhà gấp. |
Theo phản ánh của một số hộ dân, bắt đầu từ ngày 20/2, đơn vị quản lý tòa nhà đã tiến hành cắt điện, nước của một số hộ đang sinh sống tại tòa nhà. Lý do mà đơn vị quản lý đưa ra là các hộ này chưa nộp phí dịch vụ của tòa nhà. Tuy nhiên, theo những người dân nơi đây, lý do trên là chưa hợp lý vì hiện nay các hộ vẫn chưa thống nhất được mức phí dịch vụ. Thậm chí, một số người dân còn cho biết, nhằm “xử lý” những hộ phản đối chủ đầu tư, đơn vị quản lý đã “ưu tiên” chọn những gia đình thiếu đàn ông, gia đình có người già, trẻ nhỏ để cắt điện, nước khiến cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn (?).
Bà Trương Thị Yến, chủ căn hộ 09R4 cho biết, mặc dù đã nhận nhà, về sinh sống tại chung cư Happy Star Tower đã gần 2 năm, tuy nhiên, đến thời điểm này, dù đã đóng 95% giá trị căn hộ, chủ đầu tư vẫn chưa bàn giao cho một số hộ dân biên bản bàn giao nhà. Cũng theo bà Yến, sự thiếu trách nhiệm của chủ đầu tư đã khiến người dân gặp không ít khó khăn trong việc xác nhận tạm vắng, tạm trú… để làm các thủ tục cho con cái đi học.
Xung quanh vấn đề này, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Thanh Nam - Giám đốc Công ty TNHH Vintep Hà Nội cho biết, 3 hộ dân bị cắt điện nước là do chủ nhà không đóng tiền phí dịch vụ, điện, nước từ khi về ở. “Trong 3 hộ này, có 2 hộ đã chủ động đóng tiền, còn 1 hộ là của chị Yến cố tình không đóng. Hộ này nợ tiền điện, nước và phí dịch vụ hơn một năm nay nên buộc đơn vị quản lý tòa nhà phải cắt điện, nước” – ông Nam cho biết.
Thực tế cho thấy, trong những năm qua, mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và các hộ dân trong quá trình quản lý, vận hành… đã trở thành một đề tài nóng gây bức xúc trong dư luận. Mâu thuẫn tranh chấp chung cư chủ yếu xảy ra giữa chủ đầu tư với cư dân, giữa cư dân với ban quản trị, giữa ban quản trị với chủ đầu tư và các đơn vị quản lý, vận hành nhà chung cư. Theo các chuyên gia, mâu thuẫn này một phần có nguồn gốc sâu xa từ yếu tố văn hóa. Thứ nhất, là sự khác biệt về phong cách sống, tiêu chuẩn sống đã dẫn đến những xung đột dai dẳng giữa cư dân với chủ đầu tư. Thứ hai, người dân Việt Nam vốn có thói quen sống tại nhà mặt đất, không phải chi phí cho các hoạt động quản lý nào. Trong khi đó, sống tại chung cư, mỗi tháng phải đóng thêm từ vài trăm đến hàng triệu đồng tiền phí dịch vụ.
Nhằm giải quyết bài toán trên, các sở, ngành có liên quan đã ban hành nhiều văn bản, quy định giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, thực tế kết quả đem lại vẫn chưa đạt như mong muốn. Do đó, để khắc phục những mâu thuẫn, ổn định cuộc sống thì chủ đầu tư và các hộ dân cần ngồi lại với nhau để cùng nhau bàn bạc tìm tiếng nói chung. Trong quá trình này, rất cần có sự vào cuộc giám sát của chính quyền địa phương.